Khi apply vào trung học và đại học Mỹ, thường học sinh, phụ huynh nằm ở 2 thái cực: 1) Hoặc phải vào bằng được, 2) Hoặc cho rằng đây là những trường quá xa tầm với.

Lời khuyên  là học sinh cứ thoải mái apply, nhưng đừng chỉ apply vào khối Top, và bước chuẩn bị nên kéo dài từ 3-4 năm trước. Dưới đây là những lý do.

1) Chỉ có những trường Top mới có nguồn tài chính dồi dào để chúng ta nghĩ đến 100% Financial Aid (hay ở Việt Nam hay gọi là học bổng).
Những trường trung học, đại học hàng đầu của Mỹ đào tạo ra rất nhiều những con người ưu tú. Sau khi thành đạt, họ trở lại đóng góp cho trường. Ví dụ điển hình mới đây là trường hợp tỉ phú bất động sản Hong Kong Gerald Chan đã hiến tặng 350 triệu đô cho Trường ĐH Y tế Cộng đồng thuộc ĐH Harvard. Những nhà hảo tâm lớn của Mỹ cũng nhắm vào những trường lớn, có thành tích giảng dạy xuất sắc để hiến tặng tài sản. Lý do là bởi vì khi làm bất cứ cái gì, những nhà đầu tư xuất sắc của Mỹ cũng luôn nghĩ đến “Hiệu quả tối ưu” cho đồng tiền mình bỏ ra.

Đến đây có thể một số bạn tự hỏi: Vậy sao trường Mỹ lại “dở hơi”, “khùng” đến độ mang tiền chi cho học sinh quốc tế?
Nói đến Mỹ, đừng bao giờ nghĩ đến “cho không”. Trường Mỹ nhìn xa trông rộng, họ không bao giờ làm gì không có mục đích. Chúng ta có thể thấy dân Mỹ giờ đây đi khắp thế giới để đầu tư. Họ không xâm chiếm, nhưng họ đang làm “thủ lĩnh” ở rất nhiều quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Với mục đích thấu hiểu văn hoá toàn cầu từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, các trường Mỹ vươn rộng ra, tuyển sinh những học sinh ưu tú nhất trên thế giới, vừa để khơi mở “giáo trình văn hoá không chính thống” (tức học sinh, sinh viên tự dạy và truyền bá ảnh hưởng lẫn nhau), vừa để giúp thúc đẩy học sinh Mỹ phấn đấu hơn khi những sinh viên ở những nước nghèo hơn đến Mỹ với những quyết tâm vô bờ bến. Vì lý do này, các trường Top của Mỹ sẵn sàng bỏ tiền ra để chiêu mộ nhân tài quốc tế.

Vậy Việt Nam có thuộc nhóm những nước có nhiều nhân tài quốc tế mà trường Mỹ săn đuổi? Có và Không?
Chúng ta vẫn hay rỉ tai nhau về quota (hạn mức) tuyển sinh từ mỗi nước. Nếu hỏi thẳng trường Mỹ, họ sẽ không bao giờ trả lời là có, vì đó là một trong những bí mật luôn được giữ kín. Tuy nhiên, hội đồng tuyển sinh ở những trường Top của Mỹ hiện vẫn đang ưu ái cho học sinh, sinh viên Việt Nam vì những lý do sau:
– Học sinh, sinh viên Việt Nam ở các trường Mỹ hiện vẫn chưa đông.
– Mặt bằng giáo dục ở Việt Nam vẫn còn thấp (đây là lúc chúng ta thấy được “lợi thế” của nền giáo dục còn yếu kém của Việt Nam)
– Thu nhập ở Việt Nam còn thấp
– Các bậc cha mẹ ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều người giao bang rộng rãi. (Đây là mục trường rút ra từ điểm thông tin cha mẹ làm nghề gì. Nhiều người lầm tưởng rằng cha mẹ làm càng to càng tốt, vì trường Mỹ nghĩ đến chuyện con giòng cháu giống. Thực ra ngoại trừ việc những bậc cha mẹ này có tiềm năng đóng góp nhiều triệu đô cho trường, còn lại cha mẹ có nghề nghiệp, chức vụ càng khiêm tốn lại càng có lợi. Trường Mỹ rất đề cao những học sinh, sinh viên là Thế hệ đầu tiên vào đại học)
Đó là những cái “Có” khiến hồ sơ từ Việt Nam được quan tâm. Còn cái “Không” là ở chỗ, nếu hồ sơ không “xuất sắc” thì chẳng có lý do gì họ phải tuyển dụng học sinh, sinh viên này.

Một bí mật nữa mà chúng ta ít khi biết, là liệu Hỗ trợ Tài chính có độc lập với Quyết định Tuyển sinh hay không?
Cũng như trên câu trả lời sẽ là Có và Không. Chính sách Need-blind của trường Mỹ cũng là một công cụ marketing thông minh của các trường. Với khả năng tài chính dồi dào, không trường nào muốn phải giảng dạy những học sinh, sinh viên chậm tiến, không có đóng góp gì cho nhà trường. Vì thế họ giới thiệu chính sách này để chiêu mộ những cá nhân ưu tú nhất. Tuy nhiên, tất cả những trường hàng đầu của Mỹ đều thuộc khối tư nhân, họ kinh doanh giáo dục chứ không phải làm từ thiện qua giáo dục, nên họ luôn có những chính sách thông minh.

Đó là lý do tại sao hiện nay học sinh, sinh viên Hàn Quốc, Trung Quốc phải chi trả từ 10,000-20,000$ cho dịch vụ tư vấn du học mà vẫn phải đóng toàn bộ học phí, rất hiếm hoi trường hợp nào nhận được một chút hỗ trợ tài chính. Trong thời gian này, Việt Nam vẫn còn đang được ưu tiên, nhưng một vài năm nữa khi lượng học sinh, sinh viên Việt Nam qua Mỹ đông hơn, mức thu nhập của Việt Nam cao hơn, khả năng tìm kiếm hỗ trợ tài chính sẽ bị giảm mạnh.

2) Thế mạnh cá nhân
Ở Việt Nam, đặc biệt gần đây, luôn hiện diện những lời xì xào chuyện bạn này bình thường, học hành có gì đâu mà lại được trường Top Mỹ nhận cấp học bổng cao thế. Mặc dù hơi đi lạc đề, nhưng chúng tôi thiết nghĩ, thay vì mất thời gian chê bai, gièm pha nhau, hãy cùng tập trung phát triển thế mạnh của bản thân, hay của con cái bạn. Chúng ta hay dùng từ “Xã hội” để nói về sự đa dạng trong một cộng đồng. Đây chính là khái niệm mà mỗi trường Mỹ áp dụng. Họ tuyển sinh quốc tế để đạt tới sự đa dạng cho cộng đồng sinh viên, và khi tuyển sinh, bao giờ họ cũng so sánh ứng viên đó với môi trường học tập sinh sống trong vài năm qua. Một ứng viên chơi đàn giỏi mà điểm số học tập vẫn cao hàng năm hẳn sẽ dược đánh giá cao hơn các bạn cùng lớp chỉ biết học, điểm có cao hơn một chút nhưng chẳng tham gia hoạt động gì, chỉ là mọt sách, chẳng tác động được gì tích cực đến cộng đồng xung quanh.

Mỗi người sinh ra đều có một thế mạnh riêng, nếu chưa có, mỗi chúng ta đều có thể rèn luyện nếu “biết người, biết ta”. Có một nhân vật trong giới showbiz mà chúng tôi muốn lấy làm ví dụ điển hình, đó là ca sĩ Trần Thu Hà. Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung đã từng nói Hà không có tương lai, không thể bằng Thanh Lam, Mỹ Linh (cùng lứa) ở dòng pop, Hà cũng không thể đi vào dòng nhạc thính phòng. Thế nhưng bằng sự thông minh và sự kiên trì rèn luyện, Hà đã được công chúng thừa nhận và coi là một trong những Diva của Việt Nam.

Không có gì là không thể, nếu chúng ta “Muốn” và “Biết”. Và để “Biết” mỗi người có thể học hỏi, và cũng có thể tham vấn những chuyên gia trong ngành có tâm huyết. Một khi đã chứng minh được thế mạnh cá nhân, và lại trúng với điều các trường Top đang tìm kiếm, không có lý do gì hồ sơ của chúng ta bị gạt sang một bên.

3) Tại sao cần chuẩn bị sớm?
Trên thực tế với một số học sinh xuất sắc của Việt Nam đã phát triển khá đúng hướng với những gì các trường Top của Mỹ đang tìm kiếm, thời gian chuẩn bị không cần quá dài. Tuy nhiên, do sự khác biệt về hệ thống giáo dục, phương pháp phát triển mỗi cá nhân, chỉ tiêu đánh giá, nên cần có bước chuẩn bị dài để mỗi học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nhất cho hành trình du học Mỹ.

Một hồ sơ du học thường bao gồm:
– Bảng điểm (3 năm gần đây), chiếm tỉ trọng 60% quyết định tuyển sinh
– Thư giới thiệu của giáo viên những bộ môn chính (Toán, Ngôn ngữ, tiếng Anh, bộ môn chuyên ngành), thư giới thiệu của những chuyên gia đầu ngành biết rõ về ứng viên, thư giới thiệu của lãnh đạo hoạt động cộng đồng, hoặc thư giới thiệu của sếp quản lý trực tiếp nếu ứng viên đi làm thêm, hoặc đi làm chính thức
– Thành tích học tập: bằng khen, giải thưởng (càng lớn càng tốt)
– Hoạt động thể thao, hoạt động ngoại khoá, kinh nghiệm làm việc (học sinh đi làm thêm khi còn đi học rất được đánh giá cao)
– Điểm thi các kỳ thi chuẩn hoá, SSAT, ISEE, TOEFL, SAT, ACT. Với hồ sơ vào đại học Top, còn cần thêm 2 môn SAT II và càng nhiều AP càng tốt. (Hầu hết các bạn đều chưa biết AP có thể học online và thi ở Việt Nam, các bạn sẽ có thể dùng điểm số AP này để làm hồ sơ ngang với học sinh ở Mỹ.)
– Bài luận, có thể kèm theo hàng loạt câu trả lời ngắn trong hồ sơ tuyển sinh nữa, cũng không kém gai góc so với bài luận.
– Phỏng vấn.

Nhìn vào những yêu cầu trên, hầu hết học sinh, sinh viên Việt Nam chỉ có sự chuẩn bị về phần Bảng điểm, còn lại tất cả những thứ khác đều còn yếu kém. Ngay cả về bảng điểm, cũng rất ít ứng viên hiểu rõ như thế nào là bảng điểm tốt. Theo thang điểm của Mỹ, điểm A mới là tốt. Theo thang điểm Việt Nam, nếu để tương đương điểm A, thường phải đạt trên 9 điểm. Nếu thấp hơn, các trường Mỹ sẽ xem xét đến việc ứng viên đứng thứ hạng bao nhiêu trong khoá của mình. Chính vì thế, để có chiến lược chuẩn bị du học trong dài hạn, học sinh, sinh viên cần nhắm môi trường mình học trước khi qua Mỹ, để làm sao có được điểm số cao và thứ hạng cao trong toàn khối.

Thư giới thiệu là phần khá khó khăn với các bạn Việt Nam. Bạn thì không có quan hệ tốt với thày cô, bạn thì không biết phải viết cái gì, có bạn thì lại viết quá, đi vào những thông tin không cần thiết. Luôn ghi nhớ rằng trường Mỹ luôn đánh giá cao sự trung thực và chi tiết. Nếu bạn không gây ấn tượng tốt với thày cô trong lớp học qua nhiều năm, không có đóng góp gì cho lớp của mình, không phát biểu, không có tiến bộ gì, thì thật khó để kỳ vọng thày cô viết thư giới thiệu tốt. Các bạn có thể “liều lĩnh” viết sẵn và nhờ thày cô ký, tuy nhiên đây là một việc rất nguy hiểm. Những năm gần đây, khi nhận thấy một số hồ sơ bất thường, trường Mỹ đã liên lạc với người giới thiệu để thẩm định ứng viên. Vì thế mỗi học sinh sinh viên cần trung thực, học tập phấn đấu thực sự, đừng bao giờ cố tạo nên những giá trị hão huyền cho bản thân.

Bằng khen, giải thưởng cũng giống như việc xếp thứ hạng trong khối. Phần này giúp trường Mỹ hiểu bạn vươn lên như thế nào. Tuy nhiên nếu bạn không xuất sắc về học thuật, bạn vẫn có thể phát huy ở mục thể thao, hoạt động ngoại khoá. Như trên đã nói, mỗi bạn chắc chắn tiềm ẩn một khả năng đặc biệt, nếu chưa có bạn cũng có thể phát triển. Hãy đi theo tiếng gọi của đam mê từ trái tim mình, hãy làm hết mình, thậm chí đừng nghĩ đến đây là việc chỉ phục vụ việc du học, mà hãy làm giống như việc bạn phải sống như vậy, bạn phải thở hàng ngày hàng phút để sống và ghi dấu trong cuộc đời mình, dù chỉ là những dấu ấn nhỏ nhoi. Khi bạn làm việc gì đó bằng sự nhiệt tình của con tim, bằng sự thông minh của khối óc, bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng, chỉ là vấn đề sớm hay muộn mà thôi.

Điểm thi ở các kỳ thi chuẩn hoá. Đây là lúc câu ngạn ngữ Hay làm quen tay, hay Practice makes Perfect thực sự có hiệu quả. Hãy bắt đầu sớm, luyện, luyện nữa, luyện mãi, các bạn sẽ đạt được kết quả mong đợi. Kiến thức ở những kỳ thi chuẩn hoá rất đơn giản so với kiến thức bạn học ở trường, tuy nhiên được diễn đạt theo ngôn ngữ kiểu “đánh bẫy” nên cách bạn cần dấn thân vào những cái “bẫy” này, hiểu chúng và vô hiệu hoá chúng.

Một số nơi “bùa” học sinh sinh viên rằng bài luận và phỏng vấn có thể “make or break” cơ hội của bạn. Sự thực là bảng điểm vẫn chiếm đến 60% quyết định tuyển sinh. Tuy nhiên, bài luận và buổi phỏng vấn là nơi bạn “tạo dấu ấn cá nhân”, là thời điểm để cán bộ tuyển sinh “quyết định” bạn được nhận ngay, hay phải chờ đợi, và nếu họ quá “yêu” bạn qua bài luận và phỏng vấn, khả năng họ gây ảnh hưởng tới bộ phận ra quyết định hỗ trợ tài chính cũng lớn hơn và có lợi cho bạn hơn.

Bài viết này mới chỉ là một góc nhỏ trong quá trình chuẩn bị và apply đầy cam go. Thật khó ư. Tất nhiên là khó nếu bạn không bao giờ muốn đi du học Mỹ. Còn nếu bạn muốn chinh phục Mỹ, một powerhouse về giáo dục trên thế giới, thì quá trình này là bước đệm hiệu quả để bạn trưởng thành hơn và thành công nhiều hơn trên đất Mỹ.

nguồn: sưu tầm

 

0963 192 968