Chiến lược Tiền Du Dọc – 11 kỹ thuật giúp trẻ phát huy tiềm năng
(Theo cuốn Excellent 11 của nhà giáo/tác giả nổi tiếng Ron Clark)

Tài năng không tự nhiên sinh ra. Chúng ta không thể chọn giáo dục trẻ một cách tối giản, tiết kiệm thời gian và mong đợi con cái mình sẽ thành người, thành tài. Điều đó không có nghĩa chúng ta phải dành toàn bộ quỹ thời gian mình có cho con cái. Làm đúng, làm đủ, và làm một cách vui vẻ giống như đang tận hưởng niềm vui sống với con cái là cách mà Ron Clark đúc kết sau nhiều năm trực tiếp nuôi dưỡng đam mê cho trẻ.

1. Nhiệt huyết.
Trẻ học bắt đầu từ đâu? Từ người lớn. Từ tiếng nói đến điệu bộ, và lớn lên chút, cả cách phân tích lập luận, trẻ em đều học từ người lớn. Chính vì thế, giáo viên và cha mẹ cần tạo cảm hứng, khuyến khích trẻ học hỏi, phấn đấu, gặt hái được những thành quả tốt nhất trẻ có thể vươn tới.

Ron đưa ra một số ví dụ về chuyện cha mẹ phàn nàn phải mệt mỏi làm bài tập ở nhà cùng con. Nếu cha mẹ thấy khó chịu, cằn nhằn thì đương nhiên những cảm xúc này sẽ lan sang trẻ. Hãy biến buổi làm bài tập thành một trải nghiệm vui vẻ, là khoảng thời gian để cha mẹ và con cái vui đùa với nhau, biến những khái niệm, định nghĩa buồn tẻ thành những so sánh ngộ nghĩnh, hài hước thì tự nhiên trẻ sẽ thích thú, cảm thụ kiến thức nhanh và sâu.

Một điểm quan trọng nữa là cha mẹ, giáo viên càng cần phải khích lệ những trẻ ít hứng thú trong chuyện học hành. Đừng bao giờ chê bai, dè bỉu trẻ, hãy luôn khen ngợi trẻ, cho trẻ biết rằng trẻ rất tài năng và làm tốt hơn kết quả hiện tại.

2. Kỳ thú.
Với bản tính tò mò, yêu thích những bất ngờ, giáo viên và cha mẹ cần tạo cho trẻ môi trường học luôn luôn kỳ thú. Với kiến thức trong sách vở, ở trường học, cần biến những gì buồn chán thành những câu chuyện ly kỳ háp dẫn. Trẻ cũng có thể học ở mọi lúc mọi nơi. Khi đi chơi ở công viên, vườn bách thú, khi quanh quẩn bên bếp nấu ăn với cha mẹ. Thông tin, kiến thức cần dạy trẻ có ở mọi nơi. Điều tuyệt vời hơn, với những trải nghiệm kỳ thú, trẻ được học tập một cách trực quan, thậm chí bằng tất cả những giác quan của trẻ, nên việc tiếp thu sẽ sâu sắc hơn hết.

Một điểm quan trọng nữa, cũng xuất phát từ việc học hỏi từ người lớn, là trẻ cũng muốn làm người lớn, muốn khẳng định bản thân với gia đình, cộng đồng xung quanh. Khi trẻ được tự do khám phá bản thân qua những trải nghiệm kỳ thú, trẻ được tự ra quyết định, được thử nghiệm làm người lớn và rút ra những bài học đáng quý cho bản thân.

3. Sáng tạo.
Sáng tạo ở đây không có nghĩa là sáng tạo nghệ thuật, mà có nghĩa là lối suy nghĩ, hành động “khác biệt”. Đây là bản tính của trẻ, tuy nhiên mỗi trẻ lại bộc lộ một cách khác nhau. Giáo viên và cha mẹ cần gần gũi theo dõi hành động của trẻ để khám phá khả năng sáng tạo. Khi thấy trẻ có biểu hiện thì cần nắm bắt kịp thời cơ hội giúp trẻ phát huy khả năng này.

Ở lứa tuổi con non nớt, chúng ta không thể đòi hòi trẻ tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt, vì thế nếu kế hoạch dạy dỗ trẻ cần phải thay đổi để phù hợp với những “khoảnh khắc dạy dỗ” thì cũng không nên lấy làm khó chịu. Giáo viên, cha mẹ cần linh động, có khả năng “biến hoá” để trẻ hấp thụ kiến thức một cách tự nhiên. Nói một cách khác, nếu muốn trẻ tư duy đột phá, bản thân người giúp trẻ cũng phải đột phá trong phương pháp giảng dạy.

4. Nhìn lại bản thân.
Học không chỉ từ những điều mới lạ, học bao gồm cả học từ những sai lầm, thất bại đã trải qua. Ron gợi ý những cách làm đơn giản như cho trẻ làm một bài tập ở đầu năm, sau đó cuối năm lại cho làm lại bài tập đó, chúng ta có thể đánh giá sự tiến bộ của trẻ một cách dễ dàng.

Những cách hay khác là cho trẻ viết, ở bất cứ dạng gì. Khi viết trẻ sẽ bộc lộ được khá nhiều kiến thức, kỹ năng. Việc viết cũng khiến trẻ phải suy nghĩ sâu sắc, cẩn thận hơn trong từng chi tiết. Khi trẻ tiến bộ, bài viết sẽ hiện lên một cách rõ nét.

Trẻ có thể viết báo, viết luận về bất cứ vấn đề gì. Cũng có thể viết về những kiến thức, kỹ năng mà trẻ muốn học được trong năm học mới. Sau đó đến cuối năm học, trẻ sẽ đọc lại bài viết của mình, so sánh những gì mình mong đợi và những gì gặt hái được từ thực tế. Đây cũng là kỹ thuật giúp trẻ dần dần đứng vững trên đôi chân của mình.

5. Cân bằng.
Cân bằng ở đây thể hiện ở loại hình kiến thức giáo dục cho trẻ, môi trường học tập, và sự cân bằng hài hoà giữa kỷ luật và tình thương. Nếu thiên về một số loại kiến thức nhất định, trẻ sẽ phát triển lệch lạc. Nếu học tập hoàn toàn ngoài trời, qua những hoạt động kỳ thú, trẻ sẽ khó học khi phải ngồi với bài vở chính quy.

Nếu quá thương yêu nuông chiều trẻ, trẻ sẽ chỉ biết làm theo ý mình, không có kỷ luật, không có trách nhiệm với bản thân. Ron nhấn mạnh việc phải nghiêm khắc, theo sát trẻ để đảm bảo trẻ tự chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình. Điều đó không có nghĩa giáo viên cha mẹ phải dùng “thiết quân luật” mà cần truyền tải yêu cầu mạch lạc, rõ ràng, nhất quán và theo dõi từ đầu đến cuối để đảm bảo trẻ làm đúng như những gì trẻ đã cam kết.

6. Lòng trắc ẩn.
Người lớn là tấm gương cho trẻ. Nếu người lớn dèm pha, ghen ghét, đố kỵ với gia đình, bạn bè, trẻ sẽ học rất nhanh thói quen xấu đó. Nếu giáo viên cha mẹ thể hiện tình yêu thương, đối xử hoà nhã, bao dung với cộng đồng trẻ cũng sẽ lấy đó làm ba-rem để học hỏi.

Khi phát hiện ra trẻ có xung đột, hiềm khích, đánh nhau với bạn bè, người lớn không nên để trẻ tự giải quyết mà cần giúp trẻ tìm hiểu ngọn nguồn xung khắc, giúp trẻ hoà giải theo biện pháp hoà bình.

7. Tự tin.
Ron cho rằng 50% nỗ lực dạy dỗ trẻ cần dành cho việc dạy trẻ tự tin vào bản thân. Giáo viên cha mẹ cần là người cổ vũ khích lệ trẻ tin vào năng lực của chính mình. Tuy nhiên điều này chưa đủ, không có sự tin nào không đến từ quá trình chuẩn bị chu đáo.

Chuẩn bị là chìa khoá cho thành công, là mấu chốt giúp xây dựng sự tự tin cho trẻ. Trước khi viết một bài luận, diễn thuyết một đề tài, tham dự một kỳ thi, trẻ cũng như chúng ta, tất cả đều phải chuẩn bị. Chuẩn bị bằng việc soạn thảo thông tin, bằng việc sắp xếp kiến thức theo đúng trình tự lô-gic của khán giản, của bài thi, chuẩn bị về mặt tâm lý, về những lời thuyết trình, về cách đối đáp, về những công cụ giao tiếp phi ngôn ngữ… Cây ra trái sau nhiều năm chăm bón, người thành tài sau nhiều năm rèn rũa. Một nhiệm vụ muốn thành công cũng phải được chuẩn bị một cách chu đáo. Khi đã chuẩn bị chu đáo, trẻ sẽ tự tin, và cùng với sự cổ vũ khích lệ của người lớn, trẻ sẽ biến những điều không thể thành có thể.

8. Hài hước.
Các cụ đã có câu “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”. Ron cũng sử dụng tiếng cười rất thành công trong nghề sư phạm. Khi trẻ được cười vui, tinh thần trẻ sẽ vui vẻ, trẻ sẽ mở lòng, sẵn sàng đón nhận thông tin, sẵn sàng chia sẻ hơn khi ở trong trại thái buồn tẻ. Tuy nhiên, trẻ và người lớn có những cảm thụ hài hước riêng, nên người lớn cần hiểu điều gì làm cho trẻ cười và đùa vui theo “ngôn ngữ của trẻ”.

Một điều quan trọng nữa là khi nói chuyện hài hước, không nên lôi người khác ra làm trò cười vì cách này có thể khiến phá vỡ “Lòng trắc ẩn” mà trẻ cần có.

9. Diễn đạt cụ thể.
Sự khác biệt thế hệ khiến cho cái người lớn nói nhiều khi không phải là cái trẻ hiểu. Ron khuyên người lớn nên diễn đạt kỳ vọng với trẻ càng cụ thể càng tốt, và cần đảm bảo trẻ hiểu đúng những kỳ vọng đó. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy khi học sinh không hiểu yêu cầu ôn tập để làm bài kiểm tra tốt. Ông đã thay đổi yêu cầu bằng cách liệt kê cụ thể những việc học sinh cần làm khi ôn bài, kết quả là điểm thi của học sinh cao hơn hẳn.

– Tạo thẻ nhớ từ
– Đọc phần tóm tắt của từng chương
– Chú ý phần biểu đồ, hình ảnh và chú thích ảnh
– Ghi lại những phần thông tin in đậm
– Đọc lại phần ghi chép bài giảng trên lớp
– Ôn lại tất cả những bài tập của từng chương
– Nhớ ôn bài vào buổi sáng
– Có giấc ngủ sâu
– Không ngại ngùng nhờ giúp đỡ.

10. Biết cảm ơn.
Cha mẹ cảm ơn giáo viên đã giúp dạy dỗ con mình. Giáo viên cảm ơn cha mẹ vì đã cộng tác giúp dạy dỗ trẻ. Giáo viên và cha mẹ dạy trẻ biết bày tỏ lòng biết ơn với những người đã giúp đỡ mình, dù là việc lớn hay nhỏ. Lời cảm ơn thể hiện qua lời nói chân tình, qua tấm thiệp đơn giản viết lời cảm ơn, hay qua một món quà nhỏ do trẻ tự làm. Cảm ơn giúp trẻ hiểu được giá trị những tấm lòng hào hiệp, giúp trẻ gắn bó hơn với những người giúp trẻ và cũng là kỹ năng sống quan trọng để sau này trẻ thành người, thành tài.

11. Vững tâm.
Ron mở đầu chương cuối cuốn sách của ông bằng đoạn sau: “Trên thế gian này không có công việc nào tuyệt vời hơi dạy dỗ trẻ. Thật không may đây cũng là công việc gian nan nhất. Là cha mẹ, giáo viên, chúng ta cần ghi nhớ rằng khi đối mặt với khó khăn, chúng ta càng phải mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện đến cùng những gì chúng ta thấy cần thiết cho trẻ, với một tinh thần lạc quan, sự thấu hiểu và tình yêu vô bờ”.

Chẳng có thành quả nào tự dưng mà có, và cũng chẳng có nỗ lực nào lại không mang lại kết quả xứng đáng.

Kết thúc cuốn sách, Ron thêm rằng ĐAM MÊ không nằm trong danh mục 11 kỹ thuật dạy dỗ trẻ, vì đó là kỹ thuật quan trọng nhất, xuyên suốt và hiện diện ở tất cả những kỹ thuật khác. Những gì được làm với đam mê cháy bỏng bao giờ cũng mang kết kết quả tốt đẹp, với trẻ và với cả cha mẹ, giáo viên.

nguồn: sưu tầm

0963 192 968