Chiến lược du học Mỹ – Kỳ 7

Category: , ,

Chiến lược Du học từ thuở trong nôi cùng Montessori – Phương pháp giáo dục lấy mỗi cá nhân làm gốc

(Giúp các bạn trẻ hiểu mình, các bậc phụ huynh hiểu con cái và phát triển tối ưu trí tuệ, sống hết mình với ước vọng của bản thân)

Montessori giải quyết được những vấn đề gì

Nền giáo dục hiện tại, như chúng ta thấy, xuất phát từ phương pháp giáo dục Factory Education, được ra đời ở thời kỳ đầu của Kỷ nguyên Công nghiệp hoá, tức là đào tạo những cá thể một kỹ năng cụ thể để làm việc trong nhà máy, công việc mà hiện giờ hầu hết đã được thay thế bởi robots. Chính vì thế trường học theo phương pháp này có kỷ luật nghiêm ngặt, tập trung dạy những kiến thức kỹ năng cụ thể theo sách giáo khoa. Học tập theo Phương pháp Montessori hoàn toàn mở, giáo viên chỉ giới thiệu tổng quát còn học cụ thể cái gì, trong thời gian bao lâu, học như thế nào, là do học sinh tự quyết định. Những lợi ích của Phương pháp Montessori mang lại rất nhiều,  xin tóm tắt sơ lược trước khi đi sâu hơn ở phần sau.

Phương pháp Montessori giúp học sinh:

–       Ham học từ thuở ấu thơ

–       Học tập phù hợp với sự phát triển của mỗi cá nhân, không phải theo lứa tuổi nhất định

–       Chủ động và tự chịu trách nhiệm về việc học tập của bản thân

–       Trẻ tự tin vào chính mình, không sợ hãi thất bại vì coi sai lầm là một phần của cuộc sống, giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng và kiến thức về lâu về dài

–       Sống hài hoà với môi trường sống, bao gồm với xã hội và cả môi trường thiên nhiên (cấp bậc cao nhất của kỹ năng lãnh đạo, làm việc theo nhóm)

–       Suy luận lô-gic, khả năng thuyết trình tự nhiên, đúng mục đích

–       Phát triển nhân cách toàn diện, sống đúng với bản chất, bản năng của mình

–       Có hoài bão lớn, biết lập kế hoạch và hiện thực hoá ước mơ của mình

–       Yêu chuộng hoà bình, hiểu rằng mỗi con người là một cá thể sống hài hoà trong vũ trụ, không phải gây chiến tranh vì lợi ích của một nhóm nhỏ nào

Những ai tôn vinh Phương pháp Montessori

Rất nhiều chính trị gia, nhà khoa học đã ủng hộ hết mình Montessori ngay khi bà thành công với lớp học dạy trẻ cơ nhỡ sống cùng bệnh nhân tâm thần.

Đây là danh sách một số nhân vật tiêu biểu sống ngoài nước Ý:

–       Nhà sáng chế người Mỹ Alexander Graham Bell, người phát minh ra điện thoại. Ông là một trong những người đầu tiên hỗ trợ để Montessori tới Mỹ thuyết trình

–       Thomas Edison, tác giả của hơn 1.000 bằng sáng chế, cũng nỗ lực hết mình mở những trường Montessori đầu tiên trên đất Mỹ

–       Hai nhà sáng lập Google, Larry Page và Sergey Brin. Cho dù ba mẹ đều là giảng viên đại học, họ cho rằng thành công của họ là nhờ học ở trường Montessori, nơi có giáo trình mở giúp học sinh tự đào sâu điều mình ham thích, không phải học theo sách giáo khoa, là chìa khoá thành công của họ

–       Nghệ sĩ nhạc rap Sean Diddy Combs, người được Forbes đánh giá là giàu nhất trong số các ca sĩ hip-hop năm 2012, cho rằng “Phương pháp Giáo dục Montessori chính là con đường chắc chắn để trở thành những nghệ sĩ đầu bảng, được minh chứng rõ ràng bởi sự thành công của học sinh tốt nghiệp, khiến người ta phải nghi ngờ có hay không sự tồn tại của đế chế Montessori Mafia”. (Theo Wall Street Journal)

–       Tiểu thuyết gia nổi tiếng Gabriel Garcia Marquez. Ông nói “Tôi không tin có phương pháp giáo dục nào tốt hơn Montessori trong việc giúp trẻ nhạy bén với vẻ đẹp của thế giới và khơi gợi được ham thích khám phá những bí ẩn của đời sống”.

–       CEO của Amazon Jeff Bezos, người đi đầu cho chiến lược phát triển cứ đi là tới. “Dù rất nhiều nỗ lực không mang lại kết quả gì, nhưng cứ đi tới cuối con ngõ nhỏ, bạn sẽ nhìn thấy một đại lộ rộng thênh thang”, Bezos nói.

Sơ lược lịch sử ra đời Phương pháp Montessori

Montessori đến với giáo dục không phải là nghề đầu tiên. Bà đã đấu tranh với cha, làm một cuộc cách mạng trong gia đình và cả xã hội Ý, khi trở thành NỮ bác sĩ đầu tiên. Sau đó khi được giao nhiệm vụ chăm sóc những trẻ cơ nhỡ sống cùng các bệnh nhân tâm thần, niềm tin yêu mãnh liệt của bà vào trẻ em mới bắt đầu. Người khác coi trẻ em bị tâm thần khi bò xuống sàn nhà để nhặt những mảnh vỏ bánh mì, còn bà thì coi đó là bản năng sinh tồn, khi trẻ bị sống trong đói khổ. Sau một thời gian tự tay chăm sóc, bà đã Normalize (Bình thường hoá – theo cách nói của Montessori, nghĩa là: Đưa trẻ về đúng bản chất phát triển) nhóm trẻ này, giúp chúng có kết quả đánh giá năng lực cao hơn cả những trẻ em bình thường được học hành đàng hoàng. Bà đã nổi danh trên khắp thế giới ngay từ đó, nhiều người cho là bà có “phép thuật”, tuy nhiên điều bà làm chỉ là dạy trẻ bằng cách quan sát và hiểu đúng bản năng phát triển của trẻ.

Khi tự định nghĩa về Phương pháp giáo dục Montessori, bà nói rằng Phương pháp này là “Hỗ trợ để giúp mỗi nhân cách độc lập trong cuộc sống”, hay là “Phương tiện giúp phát triển toàn diện nhân cách, thoát khỏi sự chèn ép của những định kiến giáo dục lỗi thời”. Nhờ tính đúng đắn của Phương pháp này, nó đã lan toả khắp nơi cả về chiều rộng và về chiều sâu. Ngày càng có nhiều trường Montessori ra đời trên toàn thế giới. Năm 1907 bà mở trường đầu tiên dành cho trẻ ở lứa tuổi 3-6, sau đó tự những người theo bà đã mở rộng ra lứa tuổi 0-3, sau đó bà phát triển giáo án cho lứa tuổi 6-12. Ngay từ khi bà còn sống, ở Ấn Độ đã có người muốn mở trường đại học theo Phương pháp Montessori. Hiện nay, nhiều năm sau khi bà qua đời, đã có không ít trường trung học Montessori ra đời. Thậm chí ở châu Âu một số nơi còn áp dụng Phương pháp của bà để dạy nghề cho người trưởng thành.

Nếu ai đã từng mua giáo cụ Montessori (Montessori materials) cho con, có thể nhận thấy tính chi tiết, khoa học của từng giáo cụ. Học theo một số nhà khoa học Pháp (sử dụng giáo cụ giúp pháp triển Giác quan – Sensorial), và dựa trên những kiến thức toán học, ngôn ngữ, khoa học mà bà vốn rất xuất sắc, bà đã tạo nên bộ giáo cụ vô cùng đồ sộ, cho trẻ trải nghiệm, sau đó chỉ giữ lại những thứ mà trẻ thích và giúp trẻ phát triển các giác quan một cách hiệu quả nhất. Từ kích thước, số lượng, màu sắc, cân nặng, khả năng tự phát hiện lỗi… tất cả đều được bà tính toán chi tiết. Phức tạp như vậy, nhưng giáo cụ mới chỉ là một phần rất nhỏ của Phương pháp Montessori.

Bên cạnh triết lý lấy mỗi cá thể làm gốc, những gì bà phát triển đều dựa trên kết quả nghiên cứu tâm lý học và khoa học não bộ, dù ở thời điểm đó nghiên cứu khoa học rất hạn chế, và chưa có ai quan tâm đến những gì xảy ra trong não của trẻ nhỏ, mà luôn coi trẻ là thành phần gây “phiền phức”.

Một ví dụ về khả năng “đi trước thời đại” của Montessori. Mãi sau này tâm lý học mới chứng minh được sức mạnh của thói quen (The power of Habit), nghĩa là khi chúng ta làm việc, học tập theo một trình tự nhất định, kiến thức sẽ được ghi nhận vào Vô thức của não, và tồn tại mãi mãi trong não (ví dụ khi rèn luyện hàng ngày một môn thể thao nào đó, đi xe đạp, lái xe hơi – là những thứ dù có bỏ không làm một thời gian vẫn không bao giờ biến mất), đối lập với việc học tập không nhất quán, tạm thời, khiến kiến thức chỉ được ghi nhớ vào phần Ý thức của não và tồn tại một cách ngắn hạn (học thuộc một thông tin cụ thể nào đó như một bài thơ, số điện thoại…). Ngay từ khi mở trường, Montessori đã quan sát rất kỹ trẻ và phát hiện ra rằng việc trẻ làm cái gì đó lặp đi lặp lại là quá trình giúp não bộ phát triển, hình thành những dẫn truyền xung thần kinh để giúp trẻ có thể ghi nhớ thông tin. Khi não trẻ con non nớt, điều bà làm ở trường học là biến việc học thành “nghi thức/quy trình” tuần tự để những gì trẻ học được đi vào Vô thức, tạo nền tảng cho trẻ học những kiến thức phức tạp về sau. (Phụ huynh có thể tham khảo trang web này để thấy mỗi kỹ năng được dạy bài bản và tuần tự như thế nào ở lớp học Montessori http://www.infomontessori.com/practical-life/introduction.htm).

Trước khi đi vào chi tiết Phương pháp Montessori để các bạn trẻ và phụ huynh có thế áp dụng, chúng ta hãy nhìn lại xem khoa học ngày nay đã phát hiện ra những gì về tâm lý học và khoa học não bộ.

Những phát hiện mới về Khoa học thần kinh não bộ

(trích từ cuốn Rethinking the Brain)

Lướt facebook 10 phút, chúng ta có thể thấy đến 1/10 là những câu chuyện đáng kinh ngạc của trẻ nhỏ từ 2-6 tuổi. Mỗi ba mẹ có thể nghĩ con mình thật giỏi, nhưng thực ra trẻ nào cũng có nét đặc biệt khiến ba mẹ chúng phải kinh ngạc. Không cần được dạy chi tiết, trẻ chỉ cần quan sát được từ môi trường là thực hành y chang, thậm chí còn sáng tạo độc đáo ngay từ khi chưa biết nói.

 

  Quan niệm cũ Khoa học chứng minh
1 Trí não là sản phẩm của gen di truyền. Trí não phát triển dựa trên mối tương tác phức hợp giữa gen di truyền và những trải nghiệm trong môi trường sống.

 

2 Những trải nghiệm trước 3 tuổi không có ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển sau này. Những trải nghiệm thời thơ ấu giúp hình thành cấu trúc não bộ.

Tới 3 tuổi, não trẻ hoạt động năng động hơn 2.5 lần so với người lớn, và duy trì ở tốc độ này trong 10 năm đầu đời.

3 Mối quan hệ an toàn với người chăm sóc tạo nền tảng cho trẻ phát triển và học hỏi. Mối quan hệ tương tác ở tuổi ấu thơ không chỉ giúp tạo nền tảng, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới cách não bộ phát triển.
4 Não phát triển theo tuyến tính: não học hỏi và thay đổi một cách đều đặn từ tuổi ấu thơ cho đến khi trưởng thành. Sự phát triển của não bộ không đi theo đường thẳng: có những thời điểm chủ chốt để trẻ tiếp nhận tối ưu những tri thức và kỹ năng nhất định trong cuộc sống.

Và bây giờ chúng ta hãy cùng xem Montessori nói gì từ khi khoa học não bộ còn rất hạn chế.

Sơ đồ phát triển não bộ của Montessori

Factory Education bắt đầu từ tuổi lên 6, vì khi đó trẻ đã biết nghe lời và có thể ngồi học theo sắp xếp bàn ghế của trường. Tuy nhiên, khoa học hiện đại đã chứng minh, và như phát hiện của Montessori, thời điểm não phát triển mạnh nhất là từ 0-3 tuổi, và từ 3-10 tuổi não trẻ hoạt động mạnh hơn não người lớn 2.5 lần. Khi não phát triển mạnh, nhu cầu vận động tay chân, thể thất cũng cao theo. Đó là lý do tại sao trẻ luôn nghịch ngợm, không thể ngồi yên một chỗ ở lứa tuổi này. Vậy tại sao không dạy trẻ ở trạng thái vận động thoải mái, như lớp học của Montessori, mà lại bắt trẻ ngồi ngay ngắn hàng giờ để nghe giảng? Giáo dục, như Montessori nói, phải bắt nguồn từ bản chất phát triển của con người, được minh chứng bằng khoa học, chứ không phải dựa trên những khuôn phép phi thực tế, chỉ hạn chế chứ không giúp hoàn thiện con người.

Nếu chúng ta ở Việt Nam mà đọc và nghi ngờ hay phản đối Montessori thì không có gì là lạ. Vì những gì bà làm quá khác xa so với thực tế mà chúng ta thấy. Trong suốt thời kỳ bà còn sống, nhiều chuyên gia đã đến thăm trường của bà chỉ để tìm ra khiếm khuyết, nhưng rồi họ lại ra về với sự khâm phục tuyệt đối. Một đứa trẻ lên 4 chưa thể cầm bút viết nhưng lại có thể dùng bộ chữ cái xếp tên theo đánh vần của khách thăm quan. Một đứa trẻ lên 5 có thể làm toán đến phần nghìn, khi cô giáo nói sai kết quả, bé chỉ cần nhẩm tính trong đầu biết mình sai ở đâu và quay ra làm lại cho kết quả đúng. Trong 4 tháng triển lãm lớp học ở bang California của Hoa Kỳ, lớp học của bà đã có hàng ngàn người tới thăm, dù diện tích nhỏ. Rất nhiều người đến chiêm ngưỡng lớp học của bà nhiều ngày liền, phải xếp hàng thật sớm để được ngồi chỗ tốt. Đó là lớp học làm hoàn toàn bằng kính, để quan khách có thể quan sát. Trong lớp học đó, trẻ từ 3-6 tuổi “làm việc” như mình mong muốn, một cách chú tâm nhất. Đôi khi trẻ nhìn ra ngoài thấy có người quan sát mình, nhưng điều đó không hề làm chúng bận tâm, mà hoàn toàn chú tâm đến công việc của mình. Trẻ thì lau chùi bàn ghế, trẻ thì lau giày. Có trẻ giặt phơi quần áo, đánh răng rửa mặt. Có trẻ rót nước vào ly cắm hoa, có trẻ tưới cây cỏ. Có trẻ làm toán, trẻ học viết…. Đến giờ ăn trưa, trẻ sắp xếp bàn ăn, cắt thức ăn cho nhau, mời nhau nước, sữa, đồ ăn. Ăn xong tự thu xếp bát đĩa, dọn dẹp bàn ăn gọn gàng không cần phải có ai nhắc nhở. Điều này không có nghĩa trẻ ở lớp học không mắc lỗi. Mắc lỗi là một phần của quá trình học hỏi, và giáo viên ở lớp học Montessori không bao giờ mắng trẻ, mà luôn khuyến khích trẻ làm lại cho đúng. Nếu một bạn nào đó làm đổ lọ nước, bạn đó sẽ không thấy sợ hãi và các bạn xung quanh sẽ chạy lại giúp đỡ.

Một bộ trưởng giáo dục đã từng nói với Montessori là bà đã quá thành công, đã tạo nên trật tự từ sự hỗn loạn (lớp học của Montessori không có bàn ghế truyền thống, trẻ thích ngồi thích đi, thích nằm kiểu gì tuỳ thích), rằng điều này không chỉ tốt cho giáo dục nói chung, mà còn tốt cho cả cấp độ quản trị quốc gia.

Hãy chờ đến kỳ tiếp theo để biết Montessori đã làm gì với học sinh để có sự thành công này

nguồn: sưu tầm

TAGS: