VI. CHIA SẺ KINH NGHIỆM HỌC RAZ-KIDS

Trong khi tìm kiếm trên mạng hơn 6 năm về trước, mình phát hiện ra trang web Raz-kids này. Toàn bộ các truyện trong đây đã được con học đầy đủ từ level A đến level Z từ năm lớp 1 đến năm lớp 3. Sau đây là những chia sẻ về quá trình cho con gái Anh Chi học trên Raz-kids:

Năm lớp 1 mình bắt đầu tự mua tài khoản cho Anh Chi học online trên Raz-kids, lúc đầu để con có bạn bè thi đua, mình đã phải thuyết phục, mời mãi 8 phụ huynh cùng lớp cho con học cùng. Đúng như mình đoán, có bạn bè học cùng con vui lắm, ngày ngày đọc xong 1 cuốn sách được điểm con lại vào nhòm xem các bạn có ai đang đuổi theo mình không. Hồi đầu có một chị hơn con 2 lớp là chị bạn cùng lớp đọc trước con 2 level. Con tự cần mẫn đuổi theo, cuối cùng con vượt level chị ấy và vui lắm.

Mình còn hay phải hô hào các mẹ trong nhóm động viên con đọc, nhưng sau mấy tháng, các bạn ít đọc dần. Anh Chi thì vẫn đều đặn đọc và trả lời câu hỏi nghiêm túc, thỉnh thoảng còn ghi âm để nghe xem giọng đọc của mình thế nào. Mỗi ngày một truyện, hai ngày cuối tuần con vẫn đi chơi đều, nếu tối nào đi chơi, hôm sau con lại đọc bù. Sau một năm thấy các bạn không theo đọc nữa, từ lớp 2, lớp 3 mình vẫn đều đặn mua tài khoản cho một mình con đọc cho đến khi hoàn thành level Z.

Theo kinh nghiệm mình thấy, lúc đầu để con có bạn bè cùng thi đua con sẽ rất tự giác vào nếp học. Gặp từ mới nào mình đều bảo con dừng lại tra từ điển online để học từ mới luôn, nghe kỹ, phát âm từ đó cho chuẩn. Sau quen con tự đọc hiểu thấy vui như đọc truyện vậy. Thường thì mỗi truyện con nghe xong tự trả lời câu hỏi ngay và đúng khoảng 90%. Sau đó con nghe lại lần nữa và trả lời lại, lúc này hầu như đúng hết. Lượt Mỗi ngày một câu chuyện cũng là một cách học mà đồng thời là giải trí của con nên việc học không hề nặng nề. Mưa dầm thấm lâu, sau này việc đọc sách, truyện tiếng Anh của con rất dễ dàng.

Trang web này có rất nhiều công cụ tạo hứng thú và thúc đẩy bé cố gắng rồi, nhưng để con hứng thú học hơn nữa mình trao giải mỗi lần hoàn thành một level bố mẹ sẽ thưởng đi ăn KFC. Bình thường bố mẹ sẽ không dẫn đến ăn ở đây dù con thích để cho giải thưởng có giá trị. Cứ hoàn thành mỗi level con vui lắm, bố mẹ cũng vui lây, cả nhà hồ hởi kéo nhau ra quán KFC và mẹ không quên cảm ơn Chi vì nhờ Chi chăm học học giỏi mà mẹ cũng được ăn KFC (thực tế thì cả bố lẫn mẹ chẳng thích món này).

Khoảng giữa năm lớp 3 thì trường con cũng mua tài khoản Raz-kids cho các con học online. Thầy giáo của trường có account riêng có thể in những cuốn sách không có trong list của các con để giao thêm cho các con đọc, vẫn là sách của Raz-kids. Lúc này Chi đã đọc vững, mình trao đổi với thầy nhờ thầy chú ý với riêng Chi khi giao truyện cho con đọc thì giao Non-Fiction nhiều hơn Fiction (các bé cũng thích đọc Fiction hơn).

Lúc nhỏ để khơi gợi hứng thú đọc cho con mình cho con tùy chọn thích đọc cuốn nào trước cũng được trong level đó, miễn là cuối cùng hoàn thành hết các cuốn trước khi chuyển level. Những level đầu đa phần là các truyện đơn giản dễ đọc dạng Fiction. Những level từ giữa đến cuối mới đan xen Fiction và Non-Fiction. Nhưng lúc này con đã quá quen thuộc với việc đọc, mỗi ngày một tiến bộ nên mỗi level khó dần lên con vẫn giữ được thói quen đọc đều đặn.

Đến những level từ S trở đi thú thực mình đọc cũng thấy khó kinh dù mình đã học hết bằng 2 tiếng Anh nhưng con vẫn trả lời đúng ở lần đầu đạt khoảng 80-90%. Hết level Z khi con học năm lớp thì bố mẹ đều chúc mừng con đã kiên trì, giỏi giang vượt xa bố mẹ.

VII. PHƯƠNG PHÁP CHO CHO CON HỌC NGHE THEO CÁC NGUỒN TÀI LIỆU YOUTUBE MÌNH ĐÃ CUNG CẤP

Giai đoạn 1: Con còn nhỏ, chưa biết tiếng Anh, chưa có khả năng tự học mẹ sẽ giúp con cùng học nghe tiếng Anh

  1. Nếu mẹ có thời gian và đủ kiên nhẫn

Theo chị, khi con còn nhỏ ở giai đoạn 1 này, mà em có thời gian và kiên nhẫn em nên cho con xem một đến hai lần toàn bộ đoạn phim, vì các bé xem ngoài nghe sẽ cảm cả cái hay, cái đẹp của những hình ảnh vui nhộn, ngữ điệu nữa. Yêu cầu con nghe kỹ, tập trung. Sau khi đã cho con xem hai lần như vậy, con thích rồi nhưng có thể con chưa hiểu được nội dung kỹ. Đây có thể hiểu là mào đầu giới thiệu cho bé thích, sau đó yêu cầu đào sâu thêm, yêu cầu cao hơn.

Sau đó, em có thể nói với con:
– Con có hiểu đoạn phim vừa rồi không?

Nếu bé trả lời con hiểu ạ. Thì bạn cứ để con hiểu thẳng bằng tiếng Anh sẽ tốt hơn. Thực hành lại giống như những gì đã nghe bằng cách mẹ và con cùng đóng làm các nhân vật, quên một chút cũng không sao, miễn là nói tự nhiên và đúng ý.

Nếu bé trả lời con không hiểu. Bạn có thể giúp bé hiểu bằng cách sau:
– Ngắt đoạn ngắn khoảng hai ba phút – 1 conversation: hết một conversation cho bé thực hành lại những gì vừa nghe, lúc đầu con ít vốn từ, chưa hiểu mẹ giảng giải bằng tiếng Việt. Sau này khi con đã có trình độ hơn, có thể giảng giải những phần đơn giản con hiểu được bằng tiếng Anh, đan xen giảng giải c ho con bằng tiếng Việt những chỗ vốn từ của mẹ/con chưa đủ để giải thích/hiểu.

  1. Nếu mẹ bận rộn, không có thời gian

Cứ bật cho con nghe đi nghe lại (khoảng 5-6 lần) khi nghe yêu cầu con tập trung, những lần sau từ lần thứ 3-4 trở đi yêu cầu con ghi nhớ.
Lâu lâu có thời gian ngồi với con hỏi con kể cho mẹ nghe lại các bạn trong các đoạn phim nói gì. Ngộ nghĩnh vui vẻ với con một chút, giống như đóng kịch hóa thân thành các bạn ấy vậy.

Chú ý: Nếu sợ bé hại mắt bạn có thể tắt màn hình chỉ mở tiếng. Nhưng nếu để bé xem bé sẽ hiểu hơn và thích thú hơn nhiều vì những nhân vật đó hình ảnh rất ngộ nghĩnh, cử chỉ hài hước, đáng yêu đối với các bé.

Mình hiện đang áp dụng cho Vân Hà gần 5 tuổi cho con xem Peppa Pig vì hình ảnh ngộ nghĩnh, còn Gogo và Dora chỉ được nghe cho khỏi hại mắt. Con cũng vui vẻ và thích đồng ý luôn với quy ước đó. Con cũng tự lẩm bẩm trả lời hoặc nói theo các bạn, mình bận nên chỉ bật lên con tự nghe thôi

Giai đoạn 2: Con đã lớn hơn, có vốn tiếng Anh tạm đủ, có khả năng tự học

Theo mình giai đoạn này các bạn không nên dịch/giảng giải cho con bằng tiếng Việt. Yêu cầu con mỗi ngày tự mở nghe, nghe đi nghe lại 3-4 lần, cố gắng hiểu từ mới qua ngữ cảnh, không thể hiểu được mới tra từ điển. Học từ mới qua hình ảnh, ngữ cảnh là phương pháp tốt nhất.

Nếu có thể yêu cầu con kể lại. Nếu bé không thích đừng ép bé quá, tìm cách làm cho con hào hứng kể lại cho mẹ nghe.

Khi dạy con từ muôn vàn lý thuyết đọc được qua sách báo mình luôn phải nghĩ cách vận dụng sao cho phù hợp với điều kiện của mình và lứa tuổi, sở thích của con. Mình cũng luôn bận rộn không có nhiều thời gian cho con/ nên mỗi lúc bên con mình luôn làm thế nào con và mẹ hiểu nhau nhanh nhất, phối hợp với nhau nhanh nhất. Có rất nhiều kinh nghiệm, có thể nói là nhiều võ hiệu quả mình đã nghĩ ra và áp dụng trong dạy con ở mọi khía cạnh, lĩnh vực chứ không chỉ riêng tiếng Anh. Cứ thấy gì cần dạy con, mình lại tự cố gắng suy nghĩ ra cách nói sao cho con nghe mình, con thích thú và phương pháp, lộ trình dạy cho con vấn đề đó.

Ví dụ hôm qua chủ nhật cho Vân Hà đi chơi lại dạy cho Vân Hà được bao điều, quan sát con mình biết con ngấm những gì mình nói trong bài học thực tế hôm qua. Còn giả sử nếu thấy con không nghe thì mẹ phải nghĩ ra cách nói khác.

VIII. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON HỢP TÁC, VUI VẺ HỌC THEO

Mẹo của chị để con vâng lời và vui vẻ làm theo khá nhiều nhưng chị áp dụng nhiều nhất là là treo thưởng và bia kèm lạc.

Treo thưởng

Tuổi con em thưởng chỉ cần là sticker, ra quy định khung sticker bao nhiêu đến bao nhiêu trong 1 tuần là thưởng hay phạt. Học hay làm việc gì tốt thì được thưởng 1 sticker.

Có thưởng thì cũng có phạt, quy ước luôn và thống nhất với con. Phạt có thể là phải lau 1 phòng ở nhà 1 hay 2 lần (kể cả con lau bẩn cũng cứ để con lau) hay không được đi chơi đâu đó như đi dạo công viên vào cuối tuần.

Thưởng thì đạt mức từ bao nhiêu sticker trở lên thì được gì con thích nhỏ nhỏ thôi vào cuối tuần. Ví dụ: mùa hè thì thưởng 1 cái kem con thích, mùa đông thì kiểu như bỏng ngô.

Cũng có thể thưởng một cuốn sách nhỏ hay cuốn truyện nội dung tốt mà con thích. Ví dụ 1 cuốn truyện tranh Doremon hay đi chỗ nào con thích, ví dụ đi tô tượng.

Nhớ là thưởng phạt cuối tuần dựa trên tổng kết sticker cả tuần. Làm tốt, ngoan được sticker, hư thu hồi 1-2 cái. Không làm không được.

Hiệu nghiệm lắm đấy, hai bé chị đều áp dụng cách này, suốt ngày mang sticker ra đếm.

Chi thì chị cho dán quy định từ bao nhiêu đến bao nhiêu sticker sẽ tương ứng mức thưởng phạt thế nào mặt sau một cái bảng đen nhỏ. Mặt trước có kẻ ô vuông dòng trên chị dán ngày trong tuần, ô tương ứng trong bảng dán sticker con đạt trong thứ ngày đó. Hết tuần bóc sticker để tuần sau dán cho tuần mới. Có loại sticker có thể sử dụng dán lại.

Hà thì chị mua một cái bằng nhựa cứng như cái để bảng giá A4 ở cửa hàng, định cho con dán sticker vào mặt trước, mặt sau là quy định. Nhưng con lại thích để sticker vào một cái hộp. Thế là mẹ cấp cho một cái hộp nhựa trong nhỏ để đựng sticker kiếm được trong tuần.

Bia kèm lạc

Hoạt động nào con thích nếu không sai xấu, hay vi phạm pháp luật, con được làm – các bố mẹ tưởng tượng đó là bia. Các quán bia bán “bia kèm lạc” thì mẹ quy định con được phép làm hoạt động con thích sau khi con làm một hoạt động gì đó con không thích lắm hoặc chưa quen trước rồi mới được làm hoạt động con thích.

Các bé nhanh quen lắm nên sau một hồi phải bán bia kèm lạc thì lạc lại thành món con thích (các bố mẹ cứ yên tâm). Miễn là bố mẹ nhớ phân tích cả lợi ích của lạc khi bán kèm bia.

Chú ý:

Sở thích con thay đổi từng độ tuổi, tùy bé, các bố mẹ linh hoạt áp dụng hai nguyên tắc treo thưởng và bia kèm lạc trên.

Lúc đầu ra khung dễ dễ, ví dụ cho nghe 5-10 phút, sau quen tăng dần lên. Đừng ép bé hay bắt bé quá nhiều lúc đầu bé dễ chán, để bé làm quen dần và thích thú với mức thưởng dù nhỏ có thể chỉ cần cố một chút là đạt được đã.
Một thời gian sau bố mẹ lại quan sát để điều chỉnh cho phù hợp.

Khi con lớn hơn thì khoảng thời gian và lộ trình cố gắng sẽ đặt dài ra hơn vì con đã có trí nhớ và quyết tâm trong thời gian dài. Phần thưởng khi con lớn cũng phải thay đổi, dựa theo sở thích của con tuổi đó cân nhắc đến lợi ích của phần thưởng đem lại (bố mẹ cần phân tích lợi ích của phần thưởng con mới biết).

Ví dụ với Chi khi học mẫu giáo áp dụng cách sticker, lớp 1 đến lớp 3 học Razkid thì áp dụng hết level được ăn 1 bữa KFC. Bây giờ con lớn rồi thì cả kỳ cố gắng hoặc đạt một mục tiêu nào đó sẽ được phần thưởng tinh thần nhiều hơn. Ví dụ cuối năm lớp 5 chị thưởng Chi bộ truyện Harry Potter đầy đủ bằng tiếng Việt. Hôm trước đạt kết quả cao thi Toeic mẹ thưởng đủ bộ Harry Potter tiếng Anh. Vì con rất thích đọc Harry Potter, lúc trước mẹ mua 3 quyển tiếng Việt, 2 quyển tiếng Anh đã nghiền hết và thành fan của Harry Potter.

Thưởng phạt bên cạnh vật chất thì rất cần động viên, phân tích bằng lời của bố mẹ. Chi đáng khen mình cũng khoe với em Hà và nói em Hà học tập chị nên chị rất vui. Còn Hà có gì đáng khen mình cũng gọi Chi ra nói: em làm thế này tốt, rất đáng khen, em Hà được chị Chi khen bên cạnh được bố mẹ khen cũng thích lắm.

Thi thoảng nhắc lại mức thưởng quy định cho con nhớ, bé thì tần suất nhắc nhiều hơn, lớn thì chỉ cần thỉnh thoảng nhắc và khích lệ động viên các bố mẹ nhé.

Cho lựa chọn

Lựa chọn 1. Theo ý con nhưng lựa chọn bất lợi. Lựa chọn 2. Tranh thủ cài cắm lựa chọn 2 là ý mẹ muốn con làm.Cách này chị cũng hay dùng khi đã phân tích mà con vẫn không chịu nghe lúc con nhỏ.

Tương kế tựu kế

Tương kế tựu kế để dạy con bài học: Cái gì con không muốn đừng làm cho người khác.

Chiêu này chỉ dùng khi đã áp dụng tất cả các cách trên và giải thích thuyết phục nhiều lần con vẫn không chịu nghe, con có những hành động không tốt bố mẹ dạy và yêu cầu từ bỏ nhiều lần không được. Khi dùng tương kế tựu kế bố mẹ làm hành động như của con, thậm xưng lên một chút các cử chỉ, hành động. Sau đó phân tích cho con đã nhận thấy xấu chưa, không ai muốn chơi với người làm các hành động xấu như vậy. Lặp lại vài lần cho đến khi bé đã xấu hổ và nhận thức rõ cái xấu của hành động này và quyết tâm từ bỏ.

nguồn: sưu tầm

 

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỐ PHẦN THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ MIỀN GIÁO DỤC – CICZONE

Số 12, ngách 8, ngõ 5 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Tel: 04. 2213 8383 – 0963192968 – 0962 599990

Email: ciczone.jsc@gmail.com                                  website: ciczone.edu.vn

0963 192 968