Hướng dẫn cách dạy tiếng Anh cho trẻ em từ 0 đến 12 tuổi – Phần 4

Category: ,

V. DẠY CON VIẾT TIẾNG ANH

Hôm nay tranh thủ viết về chủ đề đã hẹn với một số bạn từ lâu, cảm ơn mọi người đã hỏi, vì khi hỏi mình lại nhớ lại những gì đã từng tìm tòi áp dụng vào dạy Anh Chi và bây giờ chỉ cần nhớ lại dạy Vân Hà thôi không mất công tìm hiểu như ngày xưa nữa. Thực sự nuôi con thứ hai là bạn Vân Hà cũng đơn giản hóa đi rất nhiều, mình enjoy cuộc sống nhiều hơn, công việc bận rộn hơn nhiều. Nhưng những nguyên tắc mà mình đã đọc qua vô số tài liệu cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, bao cuốn sách dạy con vẫn được giữ khi dạy bé thứ hai.
Mình nuôi dạy Anh Chi – con gái đầu – khá bài bản, khoa học. Buổi tối khi con đã ngủ, tranh thủ dọn dẹp xong, cứ tầm 10h tối lại vào mạng hoặc đọc sách – đa phần về chủ đề dạy con – đến 11, 12h mới đi ngủ vì thực sự đó là đam mê của mình (thời đó còn trẻ khỏe mà). Hôm sau lại dậy từ 6h kém 15 chợ búa, đi làm, chiều về đón con, cơm nước, dọn dẹp, dạy con, chơi với con, bày các hoạt động cho con chơi, thi thoảng buổi tối cũng đi chơi bên ngoài hoặc các khu vui chơi. Thứ bảy, chủ nhật thì dẫn con đi chơi các khu vui chơi, công viên, đi bà nội, bà ngoại, hoặc dẫn con đến chơi một số nhà người quen. Ngoài ra thứ bảy chủ nhật con cũng có tham gia học ngoại khóa, múa, hát, vẽ, đàn …
Chi dễ ngủ và ngoan hơn Vân Hà nhiều, cứ 9h kém 15 phút lên giường, đọc 3 cuốn truyện xong, tắt đèn, nằm 5 phút là con ngủ. Còn bạn thứ hai Vân Hà cho ngủ như một cực hình, đọc truyện xong hôm nào cũng ít thì 15 phút, nhiều thì hàng tiếng bạn ấy mới ngủ. Mọi người thường nói trẻ con mỗi bạn mỗi tính là vậy.

Trở lại chủ đề chính: Dạy con viết tiếng Anh như thế nào? Mình chỉ dám chia sẻ về quá trình dạy con đến hết cấp 1 thôi, vì từ cấp 2 mình đang đi học hỏi.
Từ 6 tuổi đến hơn 7 tuổi mình bắt đầu cho con tập kể chuyện cho mẹ bằng tiếng Việt. Việc dạy con kể chuyện mình tùy hứng lắm, không cần ngồi bàn ghế nghiêm chỉnh đâu, hai mẹ con kế chuyện có thể ở trên giường khi mẹ đã mệt sau một ngày đủ các việc, có thể ngồi trên salon, có thể lúc đang ở đâu đó. Con thích kể gì cũng được, sáng tác tùy ý chủ đề thoải mái miễn là không trùng lắp những gì đã kể trước đây. Khi con kể mình chăm chú lắng nghe con để khỏi ngắt mạch tư duy của con.

Theo mình để tạo cho bé hứng thú về bất cứ lĩnh vực gì đừng gò bó bé quá, viết văn càng vậy, lúc đầu phải thuận theo những gì con thích, miễn là khơi gợi được niềm yêu thích, dần dần sẽ tạo thành nếp tốt cho bé. Con yêu thích, hứng thú sau này sẽ tự học, tự đọc, tự tìm tòi, nhiệm vụ của mẹ là giúp đỡ lúc nhỏ, sau cần rèn cho con tự học.

Mình quan niệm viết văn, viết truyện là phải để bé thả trí tưởng tượng nên khi con kể mình không ngắt lời, con cứ tự tin diễn đạt những gì đến trong đầu con. Khi con kể xong xuôi mình mới rút kinh nghiệm lại, xem con cần sửa gì để câu chuyện hay hơn, đầy đủ ý hơn, logic hơn, mở đầu hay kết câu chuyện nên như thế nào để cuốn hút hơn.

Đến khi Anh Chi học lớp 2 mình bắt đầu cho con kể chuyện bằng tiếng Anh, khi bước sang giai đoạn kể chuyện tiếng Anh thì không áp dụng kể chuyện tiếng Việt nữa. Mình cho Anh Chi tự đọc các cuốn sách bắt đầu đọc theo level cho trẻ và Razkids từ lớp 1. Sau 2 năm đọc nhiều truyện bằng tiếng Anh, vốn từ đã kha khá, lại đã quen với việc kể chuyện tiếng Việt cho mẹ – việc kể chuyện bằng tiếng Anh khá xuôi chèo mát mái. Khi con kể chuyện bằng tiếng Anh mình cũng chăm chú lắng nghe, thấy lỗi sai cũng không vội ngắt lời, con cứ tự tin diễn đạt những gì đến trong đầu con. Khi con kể xong xuôi mình mới rút kinh nghiệm lại, sửa sai cho con, góp ý cho chuyện của con hay hơn, hoàn thiện hơn. Đó chính là bước đệm để viết văn tiếng Anh sau này, mà rất vui với bé, không mất công sức viết mệt mỏi cho các bé.

Từ lớp 3 khi việc viết chữ con đã thuần thục, rất nhẹ nhàng khi viết hàng trang giấy không mệt mỏi thì mẹ yêu cầu con viết khoảng 2 bài viết tiếng Anh một tuần. Chủ đề con tự chọn, mẹ thi thoảng gợi ý để đổi đủ lĩnh vực, chủ đề phong phú hơn. Khi con hoàn thành mẹ chữa lỗi cho con.

Mình lưu ý các bố mẹ điều này: các cụ có câu: dục tốc bất đạt, trẻ em có những mốc phát triển, đặc điểm tâm sinh lý biến đổi theo giai đoạn, bố mẹ cần thuận theo để nuôi dạy con. Không nên áp đặt tư duy của người lớn lên bé, không được coi trẻ em là người lớn thu nhỏ, trẻ em rất khác người lớn chúng ta.
Mình vẫn nhớ ngày lớp 3 mình viết bài văn tả con mèo như thế này: Nhà em có nuôi một con mèo tam thể…. Đôi mắt nó tròn xoe như hai hòn bi ve (hình như bài văn tả mèo của ai ngày đó cũng có câu này). Mình viết văn bằng bản ngữ tiếng Việt của mình vào năm lớp 3 mà vậy thì cũng đừng nên ép bé phải viết tiếng Anh thật hay, thật đúng ngữ pháp ngay.

Văn của mình lúc nào cũng ổn mặc dù mình là dân chuyên toán từ bé, sau học kinh tế, chưa bao giờ liên quan đến văn chương. Ngày bé, chỉ có thời gian đọc các tác phẩm kinh điển cho thiếu nhi cả của tác giả Việt Nam lẫn nước ngoài, thi thoảng đọc một số sách báo dành cho học trò. Lớn lên cũng chỉ đọc sách báo, tìm hiểu kiến thức là chính, ít liên quan đến văn chương. Có một bí mật mình đã ngẫm ra: chắc là cũng nhờ bố mẹ rất bận rộn không đan xen vào việc học của mình, không đọc văn mình nên không chê văn mình bao giờ, chứ nếu bố mẹ chê văn mình thời nhỏ có lẽ mình sẽ không tin vào văn mình và chả dám tự tin viết nữa. Vậy nên các bố mẹ nhớ đừng chê các bé.

Muốn viết văn tốt hãy cho bé đọc nhiều những bài văn, những cuốn truyện, những tác phẩm văn học giá trị. Cứ như vậy suy sang tiếng Anh các bạn cũng nên cho bé đọc những truyện hay cho thiếu nhi bằng tiếng Anh thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều tác giả với các phong cách viết khác nhau sau này con sẽ biết cách dùng từ, văn phong tiếng Anh tốt.

Nếu bạn gieo được niềm yêu thích viết tiếng Anh vào trong bé, mình tin là lớn lên, khi đã có đủ vốn từ, vốn kiến thức, học được cách viết tiếng Anh của các giai đoạn lớn hơn con sẽ viết tốt, viết hay.

Mình cũng tóm tắt lại một số kinh nghiệm mình đã áp dụng để Anh Chi kể chuyện, viết văn tiếng Anh ngày xưa giúp các bố mẹ dạy con viết tiếng Anh giai đoạn tiểu học:

– Nên bắt đầu bằng văn nói trước để tiết kiệm công sức không bắt bé phải quá mệt mỏi với việc viết chữ. Nhưng cần giảng cho con đây là kể chuyện chứ không phải nói chuyện hàng ngày, phân biệt cho bé giữa văn nói và nói chuyện.

– Hãy bắt đầu với các chủ đề thân thuộc quanh bé để bé có đủ vốn từ và cảm thấy dễ dàng khi bắt đầu, sau đó hãy mở rộng chủ đề dần. Khi mở rộng chủ đề nên cho bé đọc một vài bài hoặc cuốn sách nhỏ liên quan đến các chủ đề chuẩn bị viết trước.

– Mới bắt đầu để con thỏa sức tưởng tượng. Nhưng sau khoảng 2 tháng bé đã quen, dạy bé cách sắp xếp bố cục, dàn ý trong đầu trước khi kể bằng cách trả lời các câu hỏi:

  • What is the beginning of the story? The middle? The end?
    • Who are the characters?
    • What do you like about them?
    • Where does the story take place?
    • Is there a problem that occurs in the story? If so, how does it get resolved?
    • What do you think about the ending? Is there a connection, either in words or pictures, between the ending and the beginning of the story?

– Các bạn có thể sử dụng Picture Prompts để giúp bé tưởng tượng, xây dựng cốt truyện theo khoảng 4 bức tranh lúc đầu. Sau đó có thể giảm dần còn 2 bức hay 1 bức tranh Picture Prompts. Các bạn có thể tham khảo các Picture Prompts mình gửi ở link sau cho các bé tiểu học viết tiếng Anh:

https://noeminator.wikispaces.com/file/view/101+Picture+Prompts+to+Spark+Super+Writing.pdf
https://www.superteacherworksheets.com/writing-storypics.html
http://www.sparklebox.co.uk/literacy/writing/prompts.html#.VlMRD3bhDIV

Còn đây là hẳn 501 Prompts (không pictures) để bố mẹ đọc gợi ý chủ đề cho con viết bằng tiếng Anh:

http://www.misd.net/languageart/GrammarInAction/501WritingPrompts.pdf

nguồn: sưu tầm

 

Mọi chi tiết vui lòng liên hệ:

CÔNG TY CỐ PHẦN THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ MIỀN GIÁO DỤC – CICZONE

Số 12, ngách 8, ngõ 5 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội

Tel: 04. 2213 8383 – 0963192968 – 0962 599990

Email: ciczone.jsc@gmail.com                                  website: ciczone.edu.vn

TAGS: