Chiến lược du học Mỹ – Kỳ 8

Category: , ,

Dạy và học gì ở từng giai đoạn phát triển (con người và não bộ)

Montessori chia sự phát triển của mỗi cá nhân thành 4 giai đoạn. Giống như sơ đồ trên, giai đoạn I và III phát triển mạnh nhất, còn giai đoạn II và IV yên bình hơn và là giai đoạn đúc kết kiến thức, kinh nghiệm. Tuy nhiên dù ở giai đoạn nào, nhu cầu Độc lập của trẻ vẫn nổi trội.

  1. Giai đoạn I 0-6 tuổi: Sự hình thành con người.

– Đặc trưng là Absorbent Mind, khi đó não của trẻ tiếp thu thông tin từ môi trường giống như bọt biển, tiếp thu một cách tuyệt đối, không có lựa chọn. Điều này có nghĩa môi trường tốt thì trẻ tốt, môi trường không tốt trẻ sẽ không tốt.

– Từ 0-3 tuổi não bộ phát triển phần Vô thức

– Từ 3-6 tuổi não bộ phát triển phần Ý thức

– Là giai đoạn phát triển Nhạy cảm, đặc biệt bén nhạy để học hỏi về:

+ Trật tự, trình tự (nhiều cha mẹ ngạc nhiên vì trẻ ngăn nắp ngọn gàng từ nhỏ, thực ra đây là sự phát triển tự nhiên của mọi trẻ em)

+ Ngôn ngữ.

+ Hoàn thiện các giác quan.

+ Hoàn thiện kỹ năng vận động chân tay. Nhiều người quan niệm học phải là học kiến thức, với trẻ nhỏ việc trẻ vận động chân tay cũng là học, giúp não sản sinh nơ-ron thần kinh mới và phát triển đường dẫn truyền xung thần kinh.

– Quan tâm tới đồ vật cụ thể. (Chưa có khả năng lý luận trừu tượng)

– Phát triển thể chất

– Hình thành nhân cách

– Độc lập về cơ thể, muốn tự làm (trẻ chỉ muốn quan sát chứ không muốn được cầm tay giúp đỡ. Nhu cầu này cũng khiến cho nhiều trẻ phản khán không ăn khi ba mẹ không cho con tự ăn từ nhỏ mà kéo dài thời gian bón (đút) cơm cho con).

Dựa trên đặc thù của giai đoạn này, lớp học Montessori tập trung dạy những mảng chính sau:

–       Practical Life: Kỹ năng sống. Về thực chất là việc làm việc nhà, các kỹ năng để giúp trẻ tự chăm sóc bản thân. Phần quan trọng nữa là dạy cách cư xử, phép tắc giao tiếp cho trẻ. Bản năng của trẻ là quan sát và học hỏi (thông qua bắt chước gần như 100%) những gì trẻ thấy từ môi trường. Chính vì thế bắt đầu rèn trẻ từ thời điểm này sẽ tránh việc phải thúc ép trẻ làm việc nhà và nhiều hoạt động khác sau này, khi “thời kỳ nhạy cảm” không còn tồn tại nữa sau 6 tuổi.

–       Sensorial. Khi mới sinh ra, trẻ được tạo hoá ban cho những giác quan thính nhạy để phát huy bản năng sinh tồn. Không chỉ để sinh tồn, việc tương tác với những giáo cụ Sensorial còn giúp não trẻ phát triển những dẫn truyền xung thần kinh não, để trẻ phát triển phần Ý thức của não và học hỏi sau này.

–       Ngôn ngữ. 6 tuổi – tuổi chính thức tới trường không phải là lúc trẻ nhạy cảm về ngôn ngữ. Thông thường là từ 3-4 tuổi. Trẻ ở lứa tuổi này ở lớp học Montessori đều có thể viết và đọc, nhờ có những giáo cụ đặc biệt giúp trẻ tự học.

–       Toán. Chúng ta hay nhắc đến giáo cụ trực quan, đó chính là cách Montessori xây dựng giáo cụ toán học cho trẻ. Quan sát thấy trẻ có khả năng làm toán nếu có công cụ hỗ trợ phù hợp, Montessori đã làm nên bộ giáo cụ để trẻ có thể nhìn, sờ nắm, và hình dung trong đầu khi làm toán. Cùng để giải toán, Montessori tạo ra nhiều giáo cụ khác nhau, để trẻ “chơi” mà học. Nhờ đó trẻ nào cũng có thể giải toán, dù chưa đến 6 tuổi.

–       Văn hoá. Theo Montessori, văn hoá hình thành nên con người. Ngay ở tuổi nhỏ trẻ đã được học hỏi về các nền văn hoá khác nhau. Gần đây chúng ta hay nghe khái niệm Toàn cầu hoá giáo dục. Montessori đã thực hiện nhiều năm nay. Việc học hỏi về văn hoá giúp trẻ có thể kết bạn, làm việc với nhiều dân tộc khác nhau. Đặc biệt khi hiểu về nhiều nền văn hoá, tôn trọng các nền văn hoá khác biệt, trẻ sẽ không có quan điểm cực đoan, sử dụng bạo lực để bảo vệ một nhóm lợi ích nhỏ nào.

Đây là trang web nêu khá chi tiết giáo trình dạy trẻ từ 3-6 tuổi. Các phụ huynh có thể tham khảo để hướng dẫn cho con mình. http://www.infomontessori.com/practical-life/introduction.htm.

Nếu phụ huynh muốn mua giáo cụ Montessori chuẩn mực có thể tham khảo trang web này http://shop.heutink-usa.com/best-sellers.html. Mua toàn bộ giáo cụ sẽ rất tốn kém, tuy nhiên chúng ta có thể học hỏi và tự làm đồ bằng gỗ hoặc những vật liệu quanh ta khá dễ dàng ở Việt Nam.

  1. Giai đoạn II 6-12 tuổi: Phát triển trí tuệ

Sau giai đoạn tiếp nhận vô điều kiện từ môi trường, trẻ chuyển qua giai đoạn mà bắt đầu học hỏi có chọn lọc. Trẻ quan tâm đến vũ trụ, đến đúng sai, giàu trí tưởng tượng và liên tục đặt những câu hỏi Vì sao cho người lớn.

–       Không thoả mãn với những gì có trong sách vở, phòng trưng bày nữa mà trẻ muốn đi ra ngoài khám phá thế giới thật

–       Vượt qua mối quan tâm đến đồ vật cụ thể, trẻ bắt đầu tư duy trừu tượng, suy nghĩ lô-gic

–       Đặc biệt quan tâm tới vũ trụ, muốn biết căn nguyên, ngọn nguồn của mọi sự vật, hiện tượng

–       Nhu cầu độc lập nâng lên cấp độ mới, độc lập về tư duy. Trẻ muốn “Tự mình suy nghĩ” không lệ thuộc vào người lớn

Xuất phát từ nhu cầu này, Montessori phát triển giáo trình mở Cosmic Education, bao gồm 5 Bài học Lớn (Great Lessons):

–       Bài số 1: Sự ra đời của vũ trụ và trái đất

–       Bài số 2: Sự ra đời của sự sống

–       Bài số 3: Sự ra đời của loài người

–       Bài số 4: Lịch sử giao tiếp

–       Bài số 5: Câu chuyện về các con số

Nhiều trường Montessori in giáo trình dưới dạng Kỷ yếu Timeline, ghi lại những cột mốc chính trong từng bài học, sau đó học sinh sẽ chọn phần mình yêu thích và tìm hiểu sâu về nó.

Phụ huynh hay các bạn trẻ học phổ thông có thể tham khảo tại đây http://www.missbarbara.net/greatlessons.html.

Xin dừng lại một lát để nhấn mạnh rằng, trẻ học Montessori được học ngôn ngữ (thậm chí là ngoại ngữ) khi chưa 6 tuổi, và ở cấp 1 theo hệ thống giáo dục truyền thống, trẻ học Montessori đã được học những kiến thức một cách hệ thống mà nhiều khi trẻ ở cấp 2 ở trường thông thường chưa được học. Dù tiếp thu một lượng kiến thức khổng lồ như vậy, trẻ học Montessori hoàn toàn tự nguyện với một sự say mê tuyệt đối. Không có giáo viên nào thúc ép, giáo viên chỉ trình bày giáo trình một các tổng quát, đưa ra những chi tiết hấp dẫn để cuốn hút học sinh, còn lại học sinh hoàn toàn chủ động trong việc học tập nghiên cứu.

  1. Giai đoạn III 12-18 tuổi: Dậy thì.

Montessori còn gọi đây là thời kỳ tái sinh, sau thời kỳ khai sinh. Thay đổi về hormone khiến trẻ có nhu cầu vận động thể chất cao hơn nhiều so với giai đoạn II. Cả tâm sinh lý đều thay đổi mạnh mẽ, khiến nhiều cha mẹ thấy khó kết nối với con ở giai đoạn này.

–       Trẻ quan tâm tới bản thân, biết nhìn nhận chính mình

–       Có khả năng suy ngẫm sâu sắc và tái đánh giá vấn đề

–       Bắt đầu hành trình đi tìm chỗ đứng của mình trên thế giới rộng lớn (xác định nghề nghiệp, mục đích sống)

–       Xây dựng những giá trị đạo đức, nhân văn cho chính mình

–       Ở hai giai đoạn trước trẻ làm việc cùng nhau trong môi trường lớp học, trường học, ở giai đoạn này trẻ làm việc cùng nhau trong môi trường sống thật, làm những sản phẩm thật của đời sống. Nhiều trường trung học Montessori được xây dựng ở trung tâm học thuật nghiên cứu, giúp sinh viên có thể tham gia vào dự án thật ở nhiều công ty, tổ chức trong vùng.

–       Nấc thang mới của sự độc lập: Tôi có thể đứng trên đôi chân của chính mình.

Trẻ ở Việt Nam nên làm gì ở giai đoạn này theo Phương pháp Montessori?

Các bạn trẻ hãy làm những dự án thật. Học ở trường, học sách vở là học kiến thức cần thiết. Nhưng để thoả mãn nhu cầu vươn rộng ra thế giới bên ngoài, để học hỏi những kiến thức không có trong nhà trường, các bạn trẻ cần ra ngoài làm dự án thật. Đó có thể là việc nghiên cứu một sản phẩm, giải pháp nào đó. Hoặc có thể chỉ là một dự án cộng đồng ở quy mô nhỏ. Dù có làm sai, có thất bại thì các bạn trẻ cũng học được rất nhiều bài học bổ ích để các bạn có thể làm đúng và thành công trong tương lai. Nên nhớ là tất cả trẻ học ở lớp học Montessori đúng nghĩa đều rất vui vẻ với thất bại, vì việc tương tác với giáo cụ Montessori từ thuở nhỏ luôn bắt đầu bằng nhiều lần làm sai, sau đó mới làm đúng. Và khi làm đúng là lúc các bạn trẻ đã đủ trưởng thành để tiến tới những thách thức mới về học thuật và cuộc sống.

  1. Giai đoạn IV 18-24 tuổi: Trưởng thành.

Đây là giai đoạn trưởng thành, rất nhiều trẻ ở nước phương Tây ra khỏi nhà khi tròn 18 tuổi.

–       Hình thành đời sống tinh thần

–       Đặc biệt quan tâm khái niệm đúng sai

–       Tích cực tìm kiếm vị trí của mình trên thế giới (xác định nghề nghiệp, mục đích sống)

–       Độc lập về tài chính: Tôi có thể tự mình kiếm được

Hiện chưa có trường đại học Montessori nào trên thế giới. Tuy nhiên nếu theo đúng nguyên tắc Montessori, khi trẻ học trung học đã đi thực tập, học hỏi về môi trường làm việc thực tế, thì trường đại học Montessori không phải là nơi để nghe giảng và học bài. Đại học Montessori sẽ giống như chương trình học Tiến sĩ, hay chương trình thực tập Internship, nơi sinh viên chủ động làm việc, học tập theo ý nguyện của mình, và có thể kiếm tiền trong quá trình “làm việc thử nghiệm” đó.

Từ những phân tích này, mong gửi gắm tới các bạn trẻ hai thông điệp:

–       Điều thứ nhất các bạn cần phải nhìn xa hơn lý tưởng học tập của mình. Học cần chủ động và tự chủ về mọi mặt, đừng để tư duy bị ràng buộc vào sách giáo khoa (Xin nhắc lại Montessori không có sách giáo khoa nào trong giáo trình, tất cả đều sử dụng sách chuyên sâu ở thư viện).

–       Điều thứ hai, là một tin vui. Đó là nếu cách bạn đã tự thách thức bản thân, làm nhiều việc hơn so với chương trình học ở trường, thì các bạn không làm sai với số đông, mà các bạn đang đi đúng so với bản chất phát triển của xã hội loài người thời hiện đại.

Nguyên tắc dạy học theo Phương pháp Montessori

Montessori coi trẻ là Người trưởng thành, đối xử với trẻ như một Người trưởng thành thực thụ. Giáo viên không chỉ là người dạy kiến thức, mà còn là hình mẫu Practical Life cho trẻ. Trẻ học từ môi trường, nên nếu người hướng dẫn không hoặc không cho phép môi trường có hiện tượng quát mắng, đánh đập, chửi thề, ăn vạ, thì trẻ sẽ không bao giờ có những hành vi đó. Dưới đây là “Nội quy” của một số trường Montessori.

–       Không chạm vào trẻ trừ khi được trẻ mời (tôn trọng tuyệt đối)

–       Không bao giờ nói xấu trẻ, trước mặt hay sau lưng

–       Tập trung tăng cường phát triển những đức tính tốt của trẻ, để trẻ không còn không gian (cơ hội) để phát triển nét xấu

–       Tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng môi trường xung quanh trẻ. Giúp trẻ tạo dựng mối tương quan với môi trường để học hỏi, phát triển.

–       Luôn sẵn sàng đáp ứng lời thỉnh cầu được hỗ trợ của trẻ, luôn lắng nghe những gì trẻ nói và chia sẻ

–       Tôn trọng trẻ cả khi trẻ mắc lỗi và tự khắc phục lỗi. Tuy nhiên nếu trẻ sai phậm gây tổn hại tới môi trường học tập hay gây nguy hiểm cho trẻ khác, thì cần phải nghiêm khắc chấm dứt hành vi đó

–       Tôn trọng sự yên lặng của trẻ, khi trẻ muốn nghỉ ngơi hay khi ngừng lại và theo dõi hoạt động của những trẻ khác

–       Giúp đỡ trẻ nếu thấy trẻ muốn tìm kiếm hoạt động mà không tìm được

–       Kiên trì tiếp tục trình bày cách tương tác với giáo cụ cho trẻ dù trước đó trẻ không hứng thú, để giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng còn yếu. Dùng kiến thức, sự nhiệt huyết, tình yêu thương để trẻ cảm nhận được và tự động tìm đến giáo cụ theo ý nguyện của trẻ (không ép buộc)

–       Coi trẻ là một người trưởng thành với đầy đủ hiểu biết. Cư xử với trẻ bằng sự tôn kính, lịch thiệp nhất.

Tóm lược ứng dụng hữu ích từ Phương pháp Montessori

Ai đó đã nói không có quà tặng nào giá trị bằng thời gian dành cho con cái. Nếu phụ huynh muốn con mình thành tài, thành người, hãy chăm con từ nhỏ một cách khoa học.

–       Cho trẻ làm việc nhà, học tập thông qua sử dụng đôi tay (để phát triển tối đa não bộ)

–       Không mua đồ chơi bán trên thị trường cho trẻ. Nếu không thể mua giáo cụ Montessori do giá thành cao, có thể học cách làm tương tự với chi phí rẻ hơn (Xin nói thêm Montessori đã từng đưa cả đồ chơi và giáo cụ vào thử nghiệm trong lớp học, trẻ chơi đồ chơi rất nhanh chán, chỉ có giáo cụ của bà mới thu hút được sự quan tâm dài hạn, giúp rèn luyện tính kiên trì, sự tập trung ngay từ thuở nhỏ)

–       Học viết, đọc ngay khi trẻ có nhu cầu, khoảng 3-4 tuổi

–       Học ngoại ngữ cũng ở giai đoạn khoảng 4 tuổi. Có thể mua sách song ngữ, flash cards dạy ngoại ngữ cho trẻ, hoặc ba mẹ nói chuyện song ngữ với con ở nhà. Học ngoại ngữ phải thường xuyên nên việc cho đi học trung tâm vài tiếng một tuần là không hiệu quả.

–       Từ 3-10 tuổi não trẻ hoạt động gấp 2.5 lần não người lớn, vì thế phải giúp trẻ thoả mãn đam mê học hỏi, vận động, thay vì trả lời qua loa thắc mắc của trẻ. Đây cũng là lý do tại sao chúng ta thấy rất nhiều nhân tài bộc bộ tài năng từ thuở nhỏ: Mozart, Einstein, Edison…

–       Việc học phải lấy trẻ làm trung tâm, ba mẹ cần quan sát và để trẻ tự học tự làm, như vậy trẻ mới học một cách chủ động và ghi nhớ lâu.

–       Đọc sách là quan trọng, nhưng làm thực tế mới là cần thiết. Không làm thực tế trên đôi tay của chính mình, kiến thức của trẻ dễ rơi và tình trạng “rỗng ruột”, dẫn đến việc nhiều khi trẻ nói mà không hiểu mình nói cái gì.

–       Xây dựng thói quen là cần thiết. Từ nhỏ cần dạy mọi thứ theo quy trình, để trẻ nhập tâm phương pháp đó và sau này tự lấy đó làm phương pháp học tập của mình. Thói quen giúp bé phát triển phần Vô thức của não, là phần giúp bé học tập dài hạn.

–       Khi giới thiệu kiến thức mới cho trẻ, chỉ cần giới thiệu bức tranh tổng thể, tổng quát, để trẻ tự mình tìm hiểu, khám phá chi tiết.

–       Khuyến khích trẻ mơ ước lớn, tuy nhiên cần phải giúp trẻ vạch kế hoạch thực hiện ước mơ, trải nghiệm những gì cần thiết để đạt được ước mơ đó. Đây cũng là phương pháp mà bà mẹ của Adrian Romoff, cậu bé đoạt giải quán quân thần đồng của Mỹ áp dụng thành công cho con mình. http://www.americanbazaaronline.com/2016/03/11/adrian-romoff-beats-arnav-krishna-to-win-lifetimes-100000-child-genius-contest-407825/

–       Không nên lo sợ ngăn cản trẻ đi theo nghề trẻ thích. Việc tìm hiểu chuyên sâu, trải nghiệm thử một nghề nào đó là một quá trình học hỏi bổ ích. Sau này khi môi trường sống thay đổi, trải nghiệm thay đổi, trẻ có thể thay đổi sở thích nghề nghiệp. Tuy nhiên trẻ có thể phát huy phương pháp khám phá đã sử dụng từ trước để áp dụng cho nghề mới. Đây là lý do tại sao nhiều người bỏ nghề đi theo nghề mới lại thành công. Montessori là một ví dụ tiêu biểu

Chúng tôi mới chỉ đề cập được một phần rất nhỏ trong tinh tuý của Phương pháp Montessori. Mong phụ huynh và các bạn trẻ hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn và áp dụng cho mình, gia đình mình một cách hiệu quả nhất.

Để kết lại bài viết, xin trích câu nói của Montessori: Con người không phải là một cơ thể sinh vật sống chỉ biết hưởng thụ vật chất, hay chỉ sống bằng cảm xúc đơn thuần. Con người là thực thể vượt trội được ban phát trí tuệ đặc biệt và có sứ mệnh lớn trên trái đất. Con người cần phải biến chuyển trái đất, phải chinh phục nó, sử dụng nó và xây dựng nên một thế giới mới với những kỳ quan kỳ diệu hơn cả kỳ quan thiên nhiên. Chỉ có con người mới có thể tạo nên được nền văn minh nhân loại. Đây là công việc vô tận và là lý do vì sao con người được tạo ra những đôi chân khoẻ mạnh và những đôi tay tài hoa. Kể từ khi lọt lòng mẹ, con người đã lao động”.

Vậy xin phụ huynh hãy ngừng hỏi chúng tôi khi nào cần chuẩn bị cho con đi du học. Học tập cần phải bắt đầu từ 0 tuổi, từ khi trẻ còn trên nôi. Một cái nhà không thể khoẻ nếu nền móng không khoẻ. Một cây to không thể vững nếu bị bệnh từ gốc rễ. Khoa học và đời sống đã phát triển rất nhiều để chúng ta có thể bổ túc kỹ năng thiếu hụt từ thuở nhỏ nhưng sẽ rất khó và vất vả vì bản chất não bộ chỉ học hỏi tốt nhất một số kỹ năng nhất định theo những “giai đoạn nhạy cảm” chỉ xảy ra một lần duy nhất trong đời.

Chúc các phụ huynh và các bạn trẻ thành công hơn mong đợi!

nguồn: sưu tầm

TAGS: