Kỳ trước chúng tôi đã kết bằng một câu “Chỉ cần bạn muốn Du học Mỹ, bạn có thể làm được, và làm theo cách của bạn”. Đây chính là chiến lược số 1 mà bạn cần làm. Tự vấn chính bản thân mình.
Hãy trả lời mấy câu hỏi đơn giản sau đây.
– Bạn học cho ai nhỉ? Cho bạn.
– Bạn học để làm gì nhỉ? Để bạn có đủ kiến thức xây nền cho tương lai tốt đẹp hơn. Hoặc để bạn đeo đuổi đam mê ấp ủ từ lâu.
– Ai là người tiếp thu những kiến thức khi bạn đi du học? Là bạn.
Bạn là trung tâm của vấn đề, là nguyên do và cũng là mục tiêu sau cùng của du học Mỹ. Vậy thì đương nhiên bạn phải bắt đầu từ chính mình rổi.
Có bạn sẽ nói tôi đi du học vì bạn bè tôi đi và tụi nó thành đạt. Tôi đi du học vì nhà tôi có tiền, bố mẹ sẵn sàng đầu tư. Nên nhớ những lý do này chỉ đóng vai trò khơi nguồn cảm hứng chứ không quyết định cho sự thành công của con đường du học.
Tự vấn bao gồm những công đoạn nào:
1. Tìm hiểu xem đam mê thực sự của mình là gì. Cần lưu ý đam mê phải gắn với năng lực. Nếu bạn đang đam mê một thứ, và giỏi một thứ khác, rất có thể bạn đam mê chưa đúng, hoặc đầu tư chưa đủ. Khi nào đam mê và năng lực hoà làm một, đó mới thực sự là đam mê mà bạn nên theo đuổi lâu dài.
2. Bay bổng chút, hãy tự tưởng tượng với đam mê đó, sau này bạn sẽ làm nghề gì. Đừng bó buộc nghề mơ ước của bạn vào những nghề nghiệp mà bạn chỉ thấy ở xung quanh. Bạn có thể nói chuyện với người lớn, nói chuyện với chuyên gia, tìm hiểu trên mạng để biết có những nghề nào trên thế giới. Việt Nam còn đang ở giai đoạn phát triển sơ khởi, nên nhiều nghề tồn tại trên thế giới ở Việt Nam vẫn chưa có khái niệm. Hơn nữa, thế giới ngày nay phát triển không ngừng, nên chẳng có giới hạn nào cho nghề bạn mơ ước cả. Cứ thoả sức mơ!
3. Tiếp đó, tìm hiểu để thoả đam mê, ước mơ đó, bạn cần theo học ngành gì? Có thể bạn không quen với công đoạn này, nhất là khi ở Việt Nam vẫn ở tình trạng nước chảy bèo trôi, cứ học rồi tính tiếp. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Theo CreatingMinds, sức sáng tạo của não bộ đã đạt được 80% khi chúng ta lên 5, và thông thường sẽ suy thoái khi bước vào tuổi 40. Chính vì thế, nếu bạn định hình được con đường của mình càng sớm, bạn sẽ càng có nhiều cơ hội tập trung hết sức mạnh của não bộ để phát triển nghề nghiệp. Bạn sợ chọn sai khi chưa đủ kinh nghiệm? Hãy tham vấn gia đình, người lớn tuổi thành đạt, các chuyên gia. Nếu một vài năm sau bạn thấy mình thực ra đam mê ở lĩnh vực khác? Càng tốt. Như vậy bạn đã sống hết mình và đã tìm đến niềm đam mê đích thực, cơ hội thành công của bạn sẽ càng cao hơn.
4. Sau khi xác định được ngành học rồi (dù chỉ là tạm thời), hoặc xác định rằng bạn cần phải trải nghiệm nhiều hơn nữa để biết đâu là đam mê thực sự của mình, lúc đó bạn mới nên chuyển đến khâu Chọn Trường. Chúng tôi sẽ phân tích chiến lược chọn trường ở một kỳ riêng sau này.
Còn sau đâu, chúng tôi muốn quay trở về bước trước nữa, đó là làm sao bậc phụ huynh có thể tạo nền tảng cho con cái trong khi nền giáo dục Việt Nam vẫn đang rối bời.
Bắt đầu từ bên trong còn có nghĩa giáo dục bắt đầu từ gia đình
Chúng tôi chưa đi sâu và phân tích việc chuẩn bị hồ sơ tốt cho trẻ lúc này, mà muốn dành thời gian cho những điểm mà mọi người thường nghĩ không liên quan mấy đến du học Mỹ.
Bình tĩnh & Tự tin
Điều đầu tiên chúng tôi muốn nhắc tới là các phụ huynh cần Bình tĩnh và Tự tin. Nhìn lại lịch sử có bao nhiêu vĩ nhân có bố mẹ là vĩ nhân? Nhiều vĩ nhân thậm chí không đi theo truyền thống gia đình mà vẫn đạt được những thành tựu xuất chúng. Chuyện giáo dục của nhà trường còn nhiều trăn trở cũng không phải là điều đáng ngại. Chỉ cần phụ huynh có tâm, chúng ta đều có cách.
Chắc hẳn chúng ta ai cũng khâm phục bà mẹ đơn thân Hải Âu đưa con gái Minh Khuê được vào Harvard. Điểm mấu chốt Harvard nhận Minh Khuê, điều khiến cho luật sư phỏng vấn cháu phải sẵn sàng quên giờ giấc và nhiệt tình viết một bản tường trình kỹ lưỡng nhất từ trước tới giờ về một học sinh Việt Nam xin học Harvard không phải là kết quả học tập sáng ngời. Học sinh Việt Nam đi thi quốc tế ầm ầm, đạt giải này nọ nhưng Harvard lại không dành nhiều ưu ái bằng cô bé nhẹ nhàng Minh Khuê. Chị Hải Âu đã rất thành công trong việc truyền tải rất nhiều triết lý sống thông qua những thông điệp nhẹ nhàng, kho tàng ca dao tục ngữ, thơ văn của dân tộc. Chính điều này khiến luật sư kỳ cựu nhiều kinh nghiệm sống tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn với một cô bé nhỏ tuổi. Triết lý sống là xương sống của cuộc sống, là kim chỉ nam khi mỗi một con người gặp phải trở lại cần tìm ra con đường đúng đắn. Nó cũng là sức mạnh để con người vượt qua cám dỗ, đưa tài năng của mình phục vụ những mục đích tốt đẹp của cuộc sống. Với những trường của Mỹ, đây là điểm mấu chốt làm nên sự khác biệt của một ứng viên. Chính vì thế, trong hồ sơ xin học thường các trường đặt câu hỏi: Đâu là khó khăn lớn nhất của bạn, bạn đã làm gì? Hãy kể về một trải nghiệm làm thay đổi cuộc sống của bạn? v.v.
Quay trở lại quan điểm Bình tĩnh và Tự tin. Dẫn chứng trên của chúng tôi muốn chứng minh luận điểm rằng, hầu hết các bậc cha mẹ của Việt Nam đều có năng lực để giáo dục con cái một cách tốt nhất, cho dù trường lớp làm chưa tới. Xin các vị cũng đừng ngại về chuyện mình kém tiếng Anh. Khả năng tư duy không phụ thuộc vào khả năng ngôn ngữ. Nếu trẻ được bồi đắp kiến thức, rèn rũa khả năng tư duy từ nhỏ, thông suốt trong tiếng Việt thì khi học tiếng Anh trẻ sẽ biết trình bày quan điểm tốt. Còn một trẻ giỏi tiếng Anh nhưng không có nền kiến thức, không có khả năng tư duy thì cũng chỉ như nước sơn đẹp bọc ngoài tấm gỗ mục.
Tư duy lô-gic
Điểm thứ hai chúng tôi muốn chia sẻ ở đây là các phụ huynh cần rèn cho trẻ thói quen Tư duy lô-gic. Với bậc cha mẹ có kiến thức hàn lâm, thì việc rèn rũa sẽ tiện lợi hơn. Tuy nhiên việc này cũng có thể bắt đầu từ những chuyện thông thường, và diễn ra hàng ngày. Khi trẻ kể câu chuyện gì, hãy giúp trẻ kể chuyện gãy gọn, có đầu có cuối, và bài học rút ra từ câu chuyện đó là gì. Khi trẻ đưa ra một quan điểm lạ, càng nên khuyến khích, tuy nhiên hãy hỏi thật nhiều câu hỏi Vì sao, để bắt trẻ phải lập luận, chứng minh cho quan điểm của mình. Thế hệ ngày xưa coi chuyện quan điểm khác lạ là “nổi loạn, không nghe lời”. Tuy nhiên ngày nay chúng ta cần nhìn KHÁC. Các quý vị có thấy vĩ nhân nào đóng góp to lớn cho loài người mà không bắt đầu từ quan điểm khác lạ. Nếu chỉ như sống cũ chúng ta chẳng khác gì loài vẹt. Còn chuyện của trẻ, đừng vội phán xét trẻ đúng hay sai. Thậm chí chúng ta nhiều khi cũng chưa đủ kiến thức để khẳng định đúng sai trong quan điểm của trẻ. Điều quan trọng là tạo điều kiện cho trẻ tư duy, lập luận, chứng minh quan điểm. Đây là nền tảng cho sự thành công trong học thuật cũng như thành công trong cuộc sống sau này của trẻ.
Đừng ngại cho trẻ va vấp
Thất bại là mẹ của thành công. Trẻ càng va vấp, thất bại từ nhỏ sẽ biết vượt qua thất bại để chuẩn bị tốt hơn cho những thành công lớn hơn sau này. Nhiều khi cha mẹ có thể tạo môi trường giả, cho trẻ thử sức ở những mảng mà trẻ yếu hoặc sợ. Khi trẻ vấp ngã, hãy cùng trẻ phân tích nguyên do, tìm giải pháp để giúp sẽ không bị vướng trong những lần sau này. Mọi thiên tài, vĩ nhân đều bắt nguồn từ hàng trăm hàng ngàn hàng triệu thất bại. Điểm khác biệt của người thành công và người không thành công là khi thất bại người thành công tiếp tục nỗ lực, còn người không thành công thì bỏ cuộc. Càng được rèn luyện sớm, càng được rèn luyện nhiều thì khả năng vượt qua thất bại của trẻ càng tốt, trẻ càng có nền tảng vững chắc hơn cho hạnh phúc sau này.
Chịu trách nhiệm cho hành động của chính mình
Đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm, hoặc vờ không biết là mình mắc lỗi là những sai phạm cực kỳ lớn trong xã hội Mỹ, và trường học rất dị ứng với những chuyện này. Xã hội Mỹ không kỳ vọng ai cũng phải toàn mỹ, nhưng khi mắc lỗi, làm sai, làm chưa đúng, người trong cuộc phải tự đứng lên nhận trách nhiệm và tìm cách xử lý, chứ không được chạy vòng quanh lẩn tránh.
Để rèn cho trẻ phẩm chất này, cha mẹ không nên phạt khi trẻ mắc lỗi, mà cần khuyến khích trẻ tự nhận lỗi và đưa ra giải pháp xử lý. Khi trẻ làm được vậy, nên có phần thưởng xứng đáng cho trẻ. Có một cách làm hay của cha mẹ Mỹ là khi yêu cầu trẻ làm gì, họ sẽ đưa ra nhiều lựa chọn, sau đó phân tích hậu quả của từng lựa chọn. Cha mẹ Mỹ không áp đặt trẻ theo ý mình, cũng không trừng phạt trẻ nếu trẻ làm không được, họ chỉ trừng phạt khi trẻ dối lừa, lấp liếm sai phạm.
Có một số trường trong hồ sơ xin học hoặc khi phỏng vấn sẽ thẩm tra phẩm chất này của ứng viên. Nhưng nếu họ không thẩm tra khi tuyển sinh, sau này trong quá trình học tập họ sẽ rèn rũa rất nhiều. Đây cũng là nền tảng tương tác của xã hội Mỹ. Nếu trẻ Việt Nam chưa được chuẩn bị từ sớm, khi sang sẽ bị va vấp và có thể gặp phải cú sốc văn hoá nặng nề.
Các lò luyện giúp phần nhiều cho kỳ thi chuẩn hoá, chuyên nghiệp hoá bộ hồ sơ xin học, chứ không phải là chìa khoá giúp trẻ không có tố chất mà có thể thành công. Tất nhiên với các bậc cha mẹ có điều kiện, việc cho con tiếp cận sớm với mô hình giáo dục Mỹ, làm quen với quy trình tuyển sinh sẽ giúp trẻ và gia đình chuẩn bị tốt hơn cho du học. Nhưng cái khó không bó cái khôn. Cha mẹ nào cũng có thể chuẩn bị hành trang du học Mỹ cho con từ rất sớm, từ những chuyện tưởng nhỏ, và ngay cả khi cha mẹ không biết một chữ tiếng Anh bẻ đôi.
nguồn: sưu tầm