Guam là một đảo lớn thuộc quần đào Microsenia, được biết đến như là một căn cứ đồn trú của Hải quân và không quân Hoa Kỳ hơn là một điểm đến du lịch.
Biển ở Guam hiền hòa như những con người ở đây vậy, nằm giữa Thái Bình Dương, và các bãi tắm thường lút sâu trong những vịnh lớn nên sóng rất êm đềm. Những khi trời lặng gió, mặt biển chỉ lăn tăn như mặt hồ nước. Hiếm khi nghe tiếng sóng tại các bãi biển quanh những khu du lịch trên đảo Guam. Không nhộn nhịp xô bồ như các bãi biển khác trong khu vực châu Á, Guam hiền hòa và tĩnh lặng mang lại cảm giác dễ chịu và hài hòa cho du khách.
Là lãnh thổ chịu sự quản lý của chính quyền Liên bang Hoa Kỳ, tất cả mọi sinh hoạt thường ngày của cuộc sống nơi đây đều rất Mỹ. Những nét hoang sơ còn sót lại là tại các khu vực dân cư của bộ tộc Chomoro, những cư dân đầu tiên trên đảo Guam. Cuộc sống thường ngày thể hiện rõ nhất ở chợ. Cùng với các siêu thị lớn, hiện đại và các cửa hàng tiện ích mở cửa thâu đêm suốt sáng, chợ phiên của Guam họp vào sáng thứ Bảy và Chủ Nhật mỗi tuần, mang đặc bản sắc bản địa của người Chomoro.
Vịnh Tumon, điểm du lịch cuối tuần của dân Đông Bắc Á
Du khách sẽ không sợ buồn khi đến Guam. Tại Vịnh Tumon, phía bắc của đảo, nơi tập trung các khách sạn, các khu nghỉ dưỡng, spa và resort, không khí sẽ náo nhiệt hơn nhờ khách du lịch. Trải trên các triền dốc là những dãy hàng shopping rất bắt mắt. Về đêm, dọc các con phố mua bán này, cảnh tượng không khác mấy so với Las Vegas, chỉ thiếu sòng bài mà thôi. Là vùng lãnh thổ hải ngoại của Mỹ nên hàng hóa ở đây cũng không thua kém thị trường Mỹ là mấy. Cũng có hàng hiệu thời trang cao cấp, đồ dùng đắt tiền và những nhà hàng sang trọng phục vụ du khách muốn tận hưởng dịch vụ cao cấp.
Công dân Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan khi đến Guam không cần xin visa Mỹ mà được cấp giấy phép nhập cảnh ngay tại cửa khẩu sân bay. Dân cư tại các khu vực Đông Bắc Á này chọn Guam là nơi đi nghỉ cuối tuần để đổi gió. Và tất nhiên những nhà hàng mang đậm hương vị Hàn Quốc, Nhật Bản cũng theo chân du khách của họ góp mặt tại Guam.
Có những góc phố, thoáng qua cứ ngỡ như mình đang ở Đài Loan, Hàn Quốc. Du khách các nước này có mức sống cao, nên dịch vụ tại Guam vì thế mà cũng chạy theo nhu cầu của họ nên ở mức tương đối cao. Có nhiều cặp thanh niên ra đến Guam chỉ để chụp bộ ảnh cưới, thuê xe Limousine sang trọng và thoải mái lựa chọn những khung hình đẹp nhất trên hòn đảo dễ mến này.
Giá sinh hoạt ở Guam có phần rẻ hơn ở Mỹ và tất cả các loại giá hàng hóa cũng như dịch vụ đều đã được cộng thuế VAT trên bảng giá, nên khách không phải băn khoăn tính thếm thuế khi chọn mua đồ. Tuy nhiên giá taxi ở đây thì đắt hơn cả New York, vì phải chịu giá nhiên liệu cao. Chớ dại ngồi taxi ở đây trừ khi bạn không có lựa chọn nào khác hoặc là bị nhỡ xe. Nếu không sẽ có cảm giác xe vừa chạy vừa có người rút tiền ở ví mình ra.
Xe bus ở Guam đi trong các khu du lịch có giá dễ chịu hơn nhiều, và không bao giờ bạn phải đợi chờ lâu do tần suất xe chạy rất cao. Các tuyến xe bus phục vụ chủ yếu cho khách du lịch nên xe rất đẹp và được đóng theo kiểu cổ rất bắt mắt. Riêng khách Nhật, có những tuyến xe bus riêng cho họ. Và dường như lượng khách của đất nước mặt trời mọc đến đây rất đông nên hầu như người bán hàng nào cũng nói được dăm ba câu tiếng Nhật trong giao tiếp bán hàng.
Người Nhật đến Guam chơi, khác với người Nhật ở Nhật. Trốn khỏi công việc bộn bề và những stress trong cuộc sống, người Nhật ra đến Guam như rũ bỏ hết cái vỏ bọc lạnh lùng và nghiêm trang của họ trong công việc. Ai cũng tươi vui nói cười hết cỡ. Thanh niên đi ngoài phố nắm tay nhau hát.
Một nhóm khác quá chén vừa đi vừa tự karaoke và nhaỷ nhót huyên náo. Người Nhật say ở Guam cũng vui và sống động hơn chính họ trên đất Nhật. Nói vậy có lẽ người Nhật không hề say trên đất họ, vì nếu ở Tokyo hay Kobe, họ sẽ chỉ vịn tường mà đi hoặc ngồi bệt bên vỉa hè chứ chắc không dám hát to và nhảy múa như ở Guam.
Khu quân sự
Có những khu phố náo nhiệt như vậy, nhưng ở Guam cũng có những khu mà du khách không được đặt chân tới. Đó là những khu quân sự, căn cứ đồn trú của hải quân và không quân hoa kỳ trên đảo. Không có một tuyến xe nào chạy đến các khu vựa này.
Các khu quân sự nằm tách biệt hoàn toàn với các khu du lịch. Không người dân thường nào biết dịch vụ hậu cần cho các khu căn cứ này phát triển như thế nào. Chỉ biết được với vị chí chiến lược ngòai khơi Thái Bình Dương, Guam là trạm dừng chân kỹ thuật của hầu hết các hạm đội và máy bay chiến đấu có mặt trên Thái Bình Dương. Và với vị trí chiến lược như vậy, người dân Guam hẳn rất ung dung với nghề cung cấp dịch vụ của mình.
Ngày cuối tuần, lính được nghỉ và họ cũng đưa vợ con vào trong thành phố mua sắm và ăn uống. Rất dễ dàng nhận ra các gia đình quân nhân bởi đa phần họ rất nề nếp, cho dù không mặc quân phục nhưng cũng rất dễ nhận ra các gia đình này. Họ đi rất nhanh, ăn cũng nhanh và trẻ con thì rất gọn gàng như để dễ thích nghi với cuộc sống luôn xoay chuyển và vận động của bố mẹ chúng vậy.
Chiều muộn, khi hoàng hôn buông xuống bên bờ vịnh Tumon, cả khu vịnh rực lên một ánh vàng. Ở Guam, bốn phía đều là biển, mặt trời mọc và lặn đều trên biển. Khách du lịch có hai cơ hội để ngắm mặt trời trong ngày. Mặt trời ở đây to và đẹp rực rỡ, sau những cơn mưa, ánh hào quang phản chiếu sang bầu trời đối diện thành một cầu vồng khổng lồ bắc ngang Thái Bình Dương. Thật là một kỷ niệm đẹp trong đời, có lẽ bạn sẽ không bao giờ thấy một cầu vồng khổng lồ đến vậy như trên đảo Guam./.
Guam không chỉ là căn cứ quân sự của Mỹ mà còn là một hòn đảo du lịch hấp dẫn
Thông tin liên hệ:
CÔNG TY CỐ PHẦN THƯƠNG MẠI, ĐẦU TƯ VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ MIỀN GIÁO DỤC – CICZONE
Số 12, ngách 8, ngõ 5 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội
Tel: 04. 2213 8383 – 0963192968 – 0962 599990
Email: ciczone.jsc@gmail.com website: ciczone.edu.vn