Viết Essay hay là việc soi gương viết nhật ký
Ở bài viết trước, chúng tôi đã đề cập đến danh mục những thông tin, tài liệu cần có trong bộ hồ sơ xin học, trong đó có nói rõ Essay không phải là phần quan trọng nhất. Nói không quan trọng nhất, là khi xét về tổng thể toàn bộ hồ sơ, nhưng nếu nhìn từ góc độ các bước trong quá trình thẩm định ứng viên, thì Essay lại vô cùng quan trọng.
Điểm trung bình học tập, thư giới thiệu, điểm thi chuẩn hoá, các hoạt động ngoại khoá đều quan trọng. Nhưng nếu các ứng viên ngang tài ngang sức ở những điểm trên, Essay sẽ đóng vai trò quyết định ứng viên có được phỏng vấn hay không, thậm chí có được nhận học hay không.
Essay khác gì so với những thông tin khác trong bộ hồ sơ? Có thể ví Essay là phần mềm, còn các thông tin các là phần cứng. Hay các thông tin khác là các bộ phận của cơ thể, còn Essay là phần “tâm hồn”. Một con người không thể thật sự là con người trọn vẹn nếu thiếu đi phần tâm hồn. Tâm hồn càng phong phú, con người đó càng lôi cuốn, thú vị.
Đến đây, chắc các bạn đã hình dung phần nào vai trò của việc phác hoạ tâm hồn của mình cho các nhà tuyển sinh. Nếu Essay của bạn là sự liệt kê các sự kiện, lặp lại thông tin đã có trong các phần khác của bộ hồ sơ, bạn sẽ chẳng khác gì người bị tật nói lắp, hay một cái máy chỉ có phần cứng không có phần mềm.
Nếu bạn nhồi nhét hết tất cả những thông tin vào một bài Essay, hòng khoe càng nhiều càng tốt, bài Essay sẽ khiến bạn hiện lên như là một mớ bòng bong, hỗn tạp, không có trật tự, không có sợi chỉ đỏ xuyên suốt.
Hãy thử bằng cách này nhé. Viết Essay như viết nhật ký. Khi viết nhật ký, bạn chỉ viết về duy nhất một câu chuyện, hoặc một số sự kiện đáng nhớ trong ngày. Đó là sự kiện khiến bạn lay động con tim, khiến bạn khóc ròng nhiều ngày trời, hay khiến bạn vui sướng đến nhạt nhoà nước mắt. Bạn viết là để ghi lại sự kiện đáng nhớ này, vì nó thấm sâu vào tận tâm khảm của bạn, mang lại cho bạn một thế giới quan hoàn toàn khác, giúp bạn khám phá ra một điều mới lạ từ một sự kiện tưởng chừng vu vơ, v.v.
Đến đây, bạn sẽ thấy viết Essay nhẹ nhàng như thế nào. Bạn có thể bắt đầu bằng việc đọc kỹ yêu cầu của trường, suy nghĩ về yêu cầu đó nhiều ngày, liệt kê ra những câu chuyện, đề tài bạn muốn viết. Nhưng khi bắt tay vào viết, mọi thứ sẽ rất tự nhiên, nhẹ nhàng, vì bạn chỉ viết nhật ký thôi mà. Hãy viết về một chuyện thôi, và cứ để cảm xúc tuôn chảy một cách tự nhiên, bạn sẽ đạt được sự sâu sắc, mặn mà, giàu triết lý sống vì bạn đang viết từ đáy lòng, bằng cả con tim của mình. Đây chính là cái mà các trường đang tìm kiếm ở bạn, phần “Hồn” của bộ hồ sơ xin học.
Chúng tôi cũng muốn đưa cụm từ “Soi gương” vào quá trình viết Essay của bạn, vì cũng giống như khi viết nhật ký, bạn phải hồi tưởng lại chuyện đã xảy ra, chắt lọc lại những gì có ý nghĩa nhất, ghi lại những gì sâu sắc nhất, để sau này đọc lại bạn biết rằng “À mình giống như ngày hôm nay là vì ngày hôm qua mình đã được “khai sáng” như vậy đó”.
Nếu Essay – Nhật ký, chạm được vào tận cùng trái tim của bạn, khiến bạn sởn gai ốc, khiến bạn không cầm được nước mắt, khiến bạn phải hét toáng lên “Ôi sao mình lại sâu sắc đến thế này!”, đó là khi bạn đã thành công trong việc phác hoạ tâm hồn phong phú của mình trên trang giấy chỉ có hai màu trắng đen.
Đừng bao giờ để cảm giác run sợ, ngán ngẩm hiện diện khi bạn viết Essay. Vì đây không phải chỉ là việc bạn phải làm cho đủ yêu cầu xin học, viết Essay là một trải nghiệm tuyệt vời giúp bạn nhìn lại bản thân, suy ngẫm về những trải nghiệm đã qua, về những gì mình muốn làm trong tương lai sắp tới. Nhiều khi sự hối hả của cuộc sống, của những kỳ thi khiến bạn dửng dưng với những gì xảy đến với mình, nhưng khi ngồi viết Essay, bạn sẽ có thời gian, không gian để soi và ngẫm, để chiêm nghiệm ra nhiều triết lý sống, hành trang giúp bạn làm nên những thay đổi lớn trong cuộc đời sau này. Bạn cũng không nên lười viết, không nên để nước đến chân mới nhảy. Suy ngẫm về triết lý sống đòi hòi một quá trình dài, đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc bản thân mình, nên hãy bắt đầu càng sớm càng tốt. Nếu bạn chưa có một bài Essay tốt, quá trình suy ngẫm cũng giúp cho bạn trưởng thành hơn, hỗ trợ bạn làm tốt hơn trong bài Essay mà bạn chọn sau cùng.
Khi Essay – Nhật ký của bạn đã hiện lên toàn bộ trên trang giấy, đây là lúc bạn phải quan tâm đến phần khung / phần cứng, hay còn gọi là hình thức của bài Essay. Đó chính là việc trau truốt cho phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Tại sao chúng tôi không đề cập đến phần này trước hết, mà lại để bạn viết cho thoải mái rồi mới quay lại phần này? Như trên đã nói, Essay phải là phần “Hồn” của bạn, phần “Hồn” này là nơi chứa đầy cảm xúc, là phần cốt lõi của Nhật ký – Essay của bạn, cái chỉ có được khi bạn “VIẾT THẬT 100%” với bản thân mình, nói theo tiếng Anh là phần NAKED TRUTH ABOUT YOURSELF, và khi bạn không bị vướng bận bởi những thứ bên ngoài. Nếu bạn quá bận tâm đến hình thức, phần trang điểm bề ngoài ngay từ đầu, bạn sẽ rất dễ bị sao nhãng, đi sâu vào những trang sức loè loẹt, uốn éo thừa thãi hơn là nội dung câu chuyện sâu sắc khi bạn phải giao tiếp với một người hiểu sâu biết rộng.
Dù là hình thức, bạn cũng phải soi tự đáy lòng để hiểu “Thói quen, Tâm lý” của con người. Hãy thử đặt mình vào địa vị của người khác. Bạn đọc như thế nào khi bạn chỉ có 3-5 phút cho 1-2 trang giấy? Đọc lướt đúng không? Ánh mắt của bạn sẽ tập trung vào đâu khi bạn đọc lướt? Vào dòng đầu tiên của bài viết, vào những dòng đầu của những đoạn ở giữa (có thể bỏ qua một số đoạn), vào phần kết của bài viết. Bạn cũng sẽ thích đọc lướt ở những đoạn ngắn hơn là đoạn dài. Khi đã hiểu được nguyên tắc này, bạn sẽ biết cách chỉnh trang cho hình thức bài Essay của mình.
Hãy bắt đầu ngắn, ấn tượng, đừng ngại phá vỡ quy tắc ngữ pháp nếu cần. Một tiếng nổ đinh tai trong đêm thanh vắng khiến ai ai cũng phải thức dậy. Một màu đỏ chói loà trên nền tranh đen trắng sẽ khiến mọi ánh mắt đổ dồn vào đó. Hãy làm như vậy cho phần mở đầu bài Essay của bạn. Đâu là cái người ta thường nghĩ, thường làm, hãy làm điều hoàn toàn ngược lại, hoặc làm cho nó khác thường [một cách trí tuệ]. Tuy nhiên, nên nhớ rằng dù có lạ, có ấn tượng đến mấy, thì phần mở đầu cũng phải là một phần của bài Essay, là sự gợi mở gây tò mò để cán bộ tuyển sinh đọc tiếp phần thân bài dài dòng ở phía dưới.
Trong phần thân bài, bạn hãy đánh giá một cách khách quan, đọc đi đọc lại nhiều lần, nhiều ngày, xem câu chuyện của mình có liền mạch, có “THẬT”, có ý nghĩa chưa? Cần phải bổ sung chi tiết gì, lược bỏ chi tiết gì? Hãy làm đi làm lại nhiều lần, và ghi nhớ rằng đây không phải là việc làm thừa thãi, mất thời gian. Ngoài việc giúp bạn vào trường bạn mơ ước, quá trình viết và suy ngẫm có thể làm thay đổi thế giới quan và cuộc đời của bạn sau này.
Cũng giống như viết Nhật ký, bạn viết cho mai sau, để khi đọc lại bạn hiểu rằng mình đã có một bước ngoặt như thế. Phần kết của Essay phải đưa ra được một triết lý sống đắt giá. Từ một câu chuyện tưởng như vụn vặt, một sự kiện tưởng như chuyện thường ngày ở huyện, bạn đã phát hiện ra chân lý gì, trau dồi cho mình triết lý nào, và từ đây bạn sẽ sống, học tập, làm việc như thế nào. Lưu ý đừng đi vào ngõ cụt khi hứa hẹn này nọ kiểu như bạn vẫn làm thời trẻ con ở Việt Nam. Trường Mỹ cần tuyển mộ những người trưởng thành, chín chắn, những người có thể đứng vững trên đôi chân của mình ngay cả ở những giai đoạn khó khăn nhất, những người hiểu rằng mình đang và sẽ sống cho mình chứ không phải cho kỳ vọng của một ai khác, kể cả của trường, chính vì thế nội dung và hình thức của phần kết phải thể hiện được bạn là người như vậy. Bạn cũng đừng nên rút ra triết lý dạy đời. Trường Mỹ cần hiểu về bạn, chỉ bạn mà thôi, và cán bộ tuyển sinh là những người hiểu biết và từng trải hơn bạn rất nhiều, đừng sa đà vào việc dạy họ hay dạy đời.
Tóm lại kỹ thuật viết Essay, ứng viên có thể tập trung vào những gạch đầu dòng dưới đây:
– Bắt đầu càng sớm càng tốt, nửa năm thậm chí là một năm nếu có thể
– Đọc kỹ yêu cầu của trường
– Liệt kê những trải nghiệm liên quan của mình
– Chọn một câu chuyện sống động nhất, câu chuyện mà bạn muốn viết trong nhật ký (không có câu chuyện, đề tài nào là cliché, nếu tận sâu đáy lòng bạn muốn viết về điều đó)
– “Soi gương” bản thân và viết Nhật ký – Essay
– Để cảm xúc tuôn chảy tự nhiên, liền mạch
– [Đảm bảo bạn là nhân vật chính trong bài Essay]
– [Đảm bảo bạn đang viết NAKED TRUTH của mình]. Essay cần viết về cái đã qua, cái bạn đã học được, chứ không phải là cái bạn muốn trong tương lai. Viết sai sẽ khiến trường hiểu sai về bạn, và dù có được nhận, con đường đi đến tương lai của bạn cũng sẽ không bằng phẳng, thậm chí có thể bị trệch hướng hoàn toàn
– Hãy đào sâu, đào sâu hơn nữa. Câu chuyện What không quan trọng bằng diễn biến của câu chuyện How, cũng như suy ngẫm của bạn, bài học mà bạn rút ra Why
– Quay trở lại gọt giũa hình thức bài Essay. Ở phần này bạn cũng có thể tiếp tục với kỹ thuật What, How, Why ở trên
– Đọc đi đọc lại bài Essay. Nghỉ 1 ngày, 1 tuần, thậm chí 1 tháng rồi lại đọc lại và chỉnh sửa, về cả nội dung, hình thức, câu chữ, ngữ pháp
– Nhờ 2-3 người hiểu rõ về mình đọc và nhận xét. Lưu ý không nên để họ can thiệp quá sâu vào bài viết. Những gì họ nhận xét, gợi ý cần phải đúng với câu chuyện của bạn, nếu không cần báo cho họ biết và chỉ tiếp nhận những thông tin hợp lý
– Bạn là người viết và cũng là người đọc cuối cùng trước khi nhấn nút gửi bài Essay đi.
Chúc các ứng viên thành công!
nguồn: sưu tầm