Nếu thiếu minh bạch và giám sát chặt chẽ từ cộng đồng, chương trình sữa học đường vốn rất nhân văn có thể biến tướng thành những thương vụ bạc tỷ.
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Tán – Viện Dinh dưỡng, tình trạng suy dinh dưỡng trong những năm đầu đời ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Tại Việt Nam, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi được đánh giá là đã giảm nhanh và bền vững trong những năm qua, kiến thức thực hành dinh dưỡng của người dân ngày càng được nâng lên, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ngày càng được cải thiện.
Theo kết quả điều tra 30 cụm trên toàn quốc năm 2016 cho thấy, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 13,8%, suy dinh dưỡng thấp còi là 24,3%. [1]
Chính vì vậy ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường, nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020.
Có thể nói đây là một chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bổ ích trong việc giải quyết triệt để vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Tuy nhiên trong thực tiễn triển khai ở các tỉnh thành, việc thỉnh thoảng xảy ra ngộ độc sau khi sử dụng sữa học đường khiến hàng chục [2] [3], thậm chí hàng trăm học sinh phải nhập viện [4] đã khiến không ít bậc cha mẹ học sinh lo lắng, hoang mang.
Bên cạnh đó, việc đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp sản phẩm cho chương trình sữa học đường ở các địa phương cũng đang tồn tại những vấn đề mà nếu không làm rõ và có cơ chế minh bạch, ý nghĩa nhân văn của chương trình có thể bị đánh mất.
Nguy cơ của người phúc ta, mượn hoa dâng Phật
Ngày 6/8/2018, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ra quyết định số 4019/QĐ-UBND trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, phê duyệt đề án sữa học đường giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn Thủ đô.
Theo đề án được phê duyệt, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học Thủ đô sẽ được uống sữa tươi 05 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180 ml.
Tổng số trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học của 3 năm học khoảng 1.541.833 trẻ mẫu giáo và 2.364.832 học sinh tiểu học;
Như vậy, trong 3 năm có tổng cộng 3.906.665 em được thụ hưởng từ đề án, bình quân 1 năm Hà Nội có 1,3 triệu học có khả năng sử dụng ổn định sữa học đường.
Ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh đóng góp 50%.
Đơn giá 01 hộp sữa tạm tính là 6.875 đồng/hộp = 180 ml (có thuế giá trị gia tăng), sẽ không tăng trong suốt thời gian thực hiện Đề án (nếu giá 01 hộp sữa trên thị trường giảm thì đơn vị cung cấp sữa sẽ giảm giá).
Giá thực tế của sản phẩm thực hiện Đề án theo giá trúng thầu được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. [5]
Theo khảo sát của chúng tôi, 6.875 đồng / hộp 180 ml là mức giá bán lẻ bình quân sản phẩm sữa tươi tiệt trùng bán đến tay người tiêu dùng hiện nay.
Trong khi đó, tỉ lệ chi phí bán hàng / doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của các hãng sữa trên thị trường Việt Nam có thể dao động trong khoảng 23% đến 32%.
Có thể hiểu nôm na, với một hộp sữa tươi tiệt trùng 180 ml bán đến tay người tiêu dùng với giá 6.875 đồng / hộp, nếu phân phối qua hệ thống đại lý và các kênh phân phối của hãng, thì chi phí bán hàng đã chiếm từ 1.581 đồng / hộp đến 2.200 đồng / hộp.
Theo đề án sữa học đường đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, số trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học tham gia đề án năm học 2018-2019 là 1.217.483 em, năm học 2019-2020 là 1.299.983 em, năm học 2020-2021 là 1.389.199 em.
Nếu doanh nghiệp nào trúng thầu cung cấp sữa học đường cho Hà Nội, doanh thu tối đa 1 tuần có thể đạt bình quân: 1.302.221 x 5 hộp x 6.875 = 44.763.846.875 đồng / tuần.
Đây là con số mơ ước của mỗi nhà cung cấp, mà nếu bán qua kênh phân phối thông thường họ phải bỏ chi phí bán hàng từ 10.295.684.781 đồng / tuần đến 14.324.431.000 đồng / tuần.
Tuy nhiên, đó là những con số lý tưởng.
Thực tế, nếu trúng thầu cung cấp sữa học đường cho từ 1,2 đến 1,3 triệu học sinh Hà Nội, thì doanh nghiệp sẽ có được lượng khách hàng đông đảo và ổn định hơn rất nhiều, cho nên tỉ lệ chiết khấu có lẽ không dừng ở 20%, mà có thể cao hơn.
Về bản chất, con số “doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%” theo Quyết định 4019/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ giữ được ý nghĩa “hỗ trợ” nếu doanh nghiệp tính trên giá bán buôn như với đại lý cấp 1 của mình, thậm chí giá còn rẻ hơn nếu Hà Nội đảm bảo nguồn khách dồi dào và ổn định.
Còn nếu “doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%” nhưng lại tính trên giá bán lẻ của sản phẩm, thì thực chất khoản “hỗ trợ” này chỉ là chi phí bán hàng doanh nghiệp phải bỏ ra;
Hơn nữa, nếu là các nhà phân phối chuyên nghiệp khác có được nguồn khách hàng dồi dào, ổn định như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tỉ lệ chiết khấu có thể cao hơn con số 20%, tức là doanh nghiệp phải bỏ ra nhiều hơn so với giá trúng thầu.
Đấu thầu nhà cung cấp sữa học đường cho Hà Nội hay bất kỳ tỉnh nào, chỉ có ý nghĩa nếu tỉ lệ chiết khấu (Hà Nội gọi là “hỗ trợ”) trong giá dự thầu của các đơn vị tham gia đấu thầu thực sự cạnh tranh, chứ không phải ấn định ở mức 20%.
Dân gian vẫn hay nói của người phúc ta, hay mượn hoa dâng Phật, quả thực không khác với việc “doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%” nếu tính trên giá bán lẻ sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Nói cách khác, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang giúp doanh nghiệp bán hàng với số lượng rất lớn, nếu đàm phán chuyên nghiệp và tổ chức đấu thầu đúng quy định, thì ngân sách và túi tiền cha mẹ học sinh sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ mà doanh nghiệp vẫn có lãi.
Bài học từ NutiFood trúng thầu cao hơn giá thị trường ở Đồng Nai
Ngày 25/01/2014 Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 272/QĐ-UBND triển khai đề án sữa học đường trên địa bàn tỉnh này, giai đoạn 2014-2020.
Tổng kinh phí thực hiện: 1.315.505.626.200 đồng, trong đó: Ngân sách nhà nước: 658.765.313.100 đồng (tỷ lệ 50%); phụ huynh đóng góp: 459.466.219.170 đồng (tỷ lệ 35%); công ty sữa hỗ trợ: 197.274.093.930 đồng (tỷ lệ 15%).
Báo Lao động Đồng Nai ngày 9/3/2018 cho biết, đề án sữa học đường giai đoạn 2018 – 2020 đã lựa chọn được đơn vị trúng thầu.
Theo đó, Công ty cổ phần thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Bình Dương sẽ là nhà cung cấp sữa học đường cho tỉnh Đồng Nai giai đoạn từ năm 2018 đến hết năm 2020.
Sản phẩm sữa là Nuti sữa tươi 100% tiệt trùng có đường, hộp 180ml. Sản phẩm có logo chương trình sữa học đường (riêng trong tháng 3 và tháng 4, do chưa chuẩn bị kịp bao bì có logo này nên sẽ thực hiện mã code SHD-DN trên bao bì).
Đơn giá trúng thầu mỗi hộp sữa là 5.918 đồng/hộp (giá đã khấu trừ phần hỗ trợ của đơn vị trúng thầu). Trong đó, ngân sách hỗ trợ 3.479 đồng/hộp, phụ huynh phải đóng 2.436 đồng/hộp.
Như vậy, so với giai đoạn 1, giá thành sản phẩm sữa có cao hơn (trước đây phụ huynh đóng 1.843 đồng/hộp), sữa cũng được cho là có chất lượng tốt hơn. [6]
Trong khi giá bán lẻ 1 hộp sữa tươi NutiFood 100% tiệt trùng 180 ml là 6.575 đồng. Nếu 15% “hỗ trợ” này được xem là chi phí bán hàng của doanh nghiệp, thì giá bán buôn của sản phẩm này là 5.589 đồng / hộp.
Như vậy giá một hộp sữa NutiFood cung cấp cho chương trình sữa học đường ở Đồng Nai đắt hơn giá thị trường là 5.918 đồng – 5.589 đồng = 329 đồng.
Theo số liệu mới nhất về Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (NutiFood) mà chúng tôi tìm được là kết quả kinh doanh năm 2014, thì tỉ lệ chi phí bán hàng / doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của NutiFood là 32,3%. [7]
Nói cách khác, chi phí bán hàng tối đa NutiFood có thể phải bỏ ra khi bán 1 hộp sữa tươi tiệt trùng 180 ml qua kênh truyền thống có thể lên tới 2.123 đồng, hoặc giá bán buôn của 1 hộp sữa tươi tiệt trùng NutiFood 180 ml là 4.451 đồng.
Chênh lệch giữa giá trúng thầu sữa học đường tỉnh Đồng Nai với giá bán buôn thấp nhất của NutiFood lên tới: 5.918 đồng/hộp – 4.451 đồng/hộp = 1.467 đồng/hộp.
Nếu nhân 1.467 đồng này với 330 nghìn học sinh đang tham gia chương trình sữa học đường ở Đồng Nai [8], 3 hộp / 1 tuần, lợi nhuận mang về cho NutiFood hàng tuần không hề nhỏ.
Những con số nêu ra đây có tính chất tham khảo, minh họa cho một thực tế, nếu thiếu minh bạch, thiếu thông tin và thiếu giám sát chặt chẽ từ cộng đồng, chương trình sữa học đường vốn rất nhân văn có thể biến tướng thành những thương vụ bạc tỷ trên lưng học sinh và ngân sách nhà nước.
Nguồn: giaoduc.net.vn