Một phương thức quan trọng mà nhiều trường ĐH sẽ áp dụng trong năm 2019 là trực tiếp tuyển thẳng học sinh giỏi không qua thi tuyển. Có thể nói phương thức này là “cánh cửa rộng” lựa chọn trường, ngành học cho các học sinh giỏi.

Hàng ngàn chỉ tiêu

Theo phương án tuyển sinh dự kiến, năm 2019 Đại học QG TPHCM tiếp tục dành tối đa 20% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT và quy định riêng của ĐH này (tương đương khoảng 1.200 chỉ tiêu).

Trong đó, theo quy định riêng, ĐH Quốc gia TP.HCM ưu tiên xét tuyển học sinh (HS) các trường THPT chuyên, năng khiếu và trường thuộc nhóm 100 trường có điểm trung bình thi THPT quốc gia cao nhất 3 năm (2016, 2017 và 2018).

PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban Đào tạo ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH này đang rà soát lại danh sách 100 trường THPT có điểm thi cao nhất 3 năm qua theo hướng bổ sung những trường có điểm cao hơn và loại khỏi danh sách những trường có điểm thấp hơn. ĐH sẽ công bố danh sách cụ thể các trường THPT có HS thuộc diện này (năm 2018 danh sách này có 82 trường THPT chuyên và năng khiếu, 33 trường thuộc nhóm 100 trường có điểm thi cao nhất).

Nhiều trường ĐH khác cũng tiếp tục sử dụng phương thức tuyển sinh này trong năm tới. Theo thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, trường sẽ dành 25% tổng chỉ tiêu bậc ĐH (1.125 chỉ tiêu) cho ưu tiên xét tuyển thẳng theo phương thức riêng của trường.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết năm tới trường dự kiến thử nghiệm phương thức ưu tiên xét tuyển HS các trường THPT chuyên và năng khiếu. Trong đó, các ngành tại cơ sở chính (TP.HCM) dành khoảng 10 – 20% chỉ tiêu và các ngành tại phân hiệu Quảng Ngãi khoảng 50%.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng tiếp tục tuyển thẳng HS giỏi các trường THPT chuyên, năng khiếu và đặc thù trong toàn quốc. Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, khả năng năm tới trường chỉ tuyển thẳng HS các lớp chuyên thuộc các trường chuyên, năng khiếu và đặc thù. Trường sẽ công bố cụ thể danh mục các trường có HS thuộc diện này để thí sinh (TS) dễ xác định. Một số trường đặc thù có thể được đưa vào danh sách, ví dụ Trường Thực hành Sư phạm (thuộc Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cũng thông tin năm tới trường sẽ giữ nguyên phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của trường. Cụ thể, dành 10% cho HS lớp chuyên (toán, lý, hóa, tiếng Anh, sinh, tin) tại các trường chuyên và năng khiếu có điểm trung bình 5 học kỳ đầu từng môn theo tổ hợp xét tuyển từ 7 trở lên vào các ngành đại trà và 6,5 trở lên vào ngành chất lượng cao. Bên cạnh đó dành 5% chỉ tiêu ưu tiên xét tuyển thẳng HS 200 trường tốp đầu cả nước, trường có ký kết hợp tác về tuyển sinh hướng nghiệp, đào tạo và nghiên cứu khoa học với trường ĐH này…

Chỉ cần giỏi là trúng tuyển ?

Theo PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, ĐH Quốc gia TP.HCM, phương thức này không phân biệt HS lớp chuyên hay lớp thường mà căn cứ vào các tiêu chí cụ thể. Theo đó, HS phải tốt nghiệp THPT năm 2019; đạt danh hiệu HS giỏi 3 năm (hoặc là thành viên đội tuyển tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia); hạnh kiểm tốt 3 năm. Khi có đủ điều kiện này, mỗi HS được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vào các đơn vị thành viên của ĐH này nhưng chỉ được trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên cao nhất.

“Tuy nhiên trong trường hợp TS đồng điểm, trường sẽ tính đến tiêu chí phụ theo thứ tự ưu tiên gồm: điểm trung bình 3 năm của tổ hợp môn xét tuyển; bài luận viết tay; thư giới thiệu của giáo viên. Trong đó bài luận được viết bằng tay trên giấy A4 trình bày động cơ học tập và sự phù hợp của năng lực bản thân với ngành và trường học”, PGS-TS Vũ lưu ý.

Trường ĐH Tài chính – Marketing ưu tiên xét tuyển 2 nhóm TS gồm: HS có 3 năm THPT đạt danh hiệu HS giỏi; HS các trường chuyên, năng khiếu có điểm trung bình từng môn trong tổ hợp xét tuyển của 3 năm phổ thông từ 7 trở lên. HS được đăng ký tối đa 3 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vào trường nhưng chỉ được trúng tuyển nguyện vọng cao nhất.

Tuy nhiên trường này cũng xác định điểm trúng tuyển sẽ căn cứ trên điểm trung bình chung các môn học năm lớp 12 trong tổ hợp xét tuyển cộng với điểm ưu tiên theo quy chế.

Còn tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, điều kiện xét tuyển thẳng là học lực lớp 12 chuyên từ giỏi trở lên và đạt một trong các điều kiện sau vào ngành đúng hoặc ngành gần: Đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh trở lên; Có học lực năm học lớp 10 và 11 chuyên đạt HS giỏi. Riêng đối với ngành giáo dục mầm non, giáo dục thể chất TS phải tham gia kỳ thi năng khiếu do trường này tổ chức và phải đạt từ 6,5 điểm trở lên.

Trường ĐH Mở TP.HCM cũng tiếp tục thực hiện ưu tiên xét tuyển thẳng HS các trường THPT chuyên, năng khiếu trong toàn quốc. Bên cạnh học lực giỏi 3 năm (hoặc là thành viên đội tuyển tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia), HS tham gia đăng ký còn phải có hạnh kiểm tốt và có điểm trung bình chung của các môn học của 3 năm học phổ thông trong tổ hợp xét tuyển từ 7 trở lên.

Với phương thức này, TS được nộp đăng ký đồng thời vào nhiều trường và tất cả các trường đều có cơ hội trúng tuyển. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ TS trúng tuyển “ảo” bằng phương thức này ở các trường khá cao, có khi lên tới 50%.

nguồn: thanhnien.vn

 

0963 192 968