Nhu cầu cho con tiếp cận giáo dục Mỹ từ sớm là một nhu cầu chính đáng của nhiều phụ huynh. Nhưng không phải gia đình nào cũng dư giả về tài chính để đầu tư.
“Những đứa trẻ nhảy dù” là thuật ngữ chỉ về những đứa trẻ được bố mẹ đưa đi du học từ rất sớm.
Đa số những đứa trẻ trong độ tuổi từ 13 đến 17 bị gửi đi du học. Càng ngày số lượng trẻ em người Việt học ở Mỹ càng tăng.
Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, Ngọc Hân được bố mẹ đưa đi du học ở Mỹ từ khi 15 tuổi. Ngọc Hân tâm sự: “Bạn bè của bố em đều cho con đi du học nước ngoài vì đó là xu hướng”.
Ngọc Hân chỉ là một trong số rất nhiều thanh thiếu niên Việt Nam được sang Mỹ học trung học với hi vọng được hưởng sự ưu việt của nền giáo dục phương Tây.
Ngoài ra, việc học trung học ở Mỹ sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn trong việc ứng tuyển vào các trường đại học uy tín ở Mỹ.
Để đáp ứng nhu cầu học tập ở Mỹ, phụ huynh phải chi khoảng 50.000 USD/năm cho con du học. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo “giấc mơ Mỹ” của các bậc phụ huynh có thể nhanh chóng biến thành ác mộng bởi “những đứa trẻ nhảy dù” sống ở một mình không có sự quản lý của cha mẹ có thể tự đưa mình vào rất nhiều rắc rối.
Bởi lẽ, các ông bố bà mẹ với tâm lý bù đắp cho con khi phải xa nhà từ nhỏ lại càng cố gắng cung cấp bất cứ thứ gì con muốn, từ đó làm hư con.
Tuy nhiên có một thực tế là dù sang ở cùng với người thân, họ hàng, ở trong kí túc xá hay ở “homestay” thì những đứa trẻ này vẫn luôn cảm thấy cô đơn.
Có lẽ điều khiến “những đứa trẻ nhảy dù” chán nản nhất là chúng phải chịu trách nhiệm quản lý thời gian rảnh của mình. “Nhàn cư vi bất thiện” nên đây là một nhiệm vụ “nguy hiểm” đối với trẻ vị thành niên.
“Khoảng thời gian từ 3 giờ chiều tới 10 giờ tối phải ở một mình thật là dài vô tận. Con thật sự không thích phải ở một mình như vậy chút nào. Khi chán con cũng chỉ biết xem Ti vi, chơi game, ăn vặt…
Thật may là con không tụ tập với đám bạn xấu” – anh Cao Nguyên ở Ba Đình Hà Nội kể về những dòng tâm sự của con trai thời gian đầu khi đi du học ở Mỹ.
Thấy bạn bè có điều kiện đều đầu tư cho con đi du học sớm, chị Tú Anh ở Hà Nội cũng quyết định cho con gái lớn đi du học ở Mỹ.
Chị Tú Anh tâm sự: “Năm 2014, chị đã phải bán căn nhà ở Thanh Xuân để lo tiền cho con. Tôi đinh ninh, với số tiền đó đủ để con theo học. Thấy con gái hào hứng sang Mỹ học tôi cũng yên tâm. Nhưng ai ngờ, chỉ hơn một năm ở Mỹ thì con tôi muốn về nước, dù việc học vẫn dang dở.
Nó yêu đương, thất tình rồi sinh ra trầm cảm. Tôi đưa cháu về nước chăm sóc, chạy chữa một năm sau thì cháu mới tự tin trở lại.
Giờ đây, nghe đến đi du học là tôi thấy ân hận. Giá như ngày đó, tôi không vội vàng cho cháu xa gia đình thì việc học của cháu không phải trắc trở như vậy”.
Để lo cho con tiền đi du học, nhiều gia đình Việt đã phải cố gắng hết sức, thậm chí là ôm nợ. Anh Ngô Quốc Liên ở Hà Đông, Hà Nội là một ví dụ.
Năm 2015, muốn con sang Mỹ học từ khi còn phổ thông, vợ chồng anh đã dốc hết vốn liếng để lo cho con. Nhưng không may, con sang Mỹ học được một năm thì anh Liên ở nhà bị tai nạn giao thông nặng.
Số tiền dành để cho con du học nay anh phải chi tiêu chữa bệnh. Cuối cùng để lo cho con, anh đã phải đi vay lãi ngoài.
Nhưng do lãi cao, trong khi nhu cầu học tập của con ngày càng lớn, anh đã không kham nổi nên cuối cùng việc du học của con anh đành dở dang.
“Cháu nhà tôi phải bỏ học ở Mỹ giữa chừng để về Việt Nam. Tôi thực sự thấy buồn vì không thể lo nổi cho con tiền học tập” – anh Quốc Liên buồn rầu tâm sự.
Nhu cầu cho con tiếp cận giáo dục Mỹ từ sớm là một nhu cầu chính đáng của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện dư giả về tài chính để đầu tư.
Nguồn: sưu tầm